Thông tư 13/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định về vận tải đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 13/2023/TT-BGTVT
Ngày ban hành 30/06/2023
Ngày có hiệu lực 01/09/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Xuân Sang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2023/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2023

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CAMPUCHIA VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy ký ngày 17 tháng 12 năm 2009; Phụ lục sửa đổi Điều 6 và Điều 17 của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy ký ngày 26 tháng 02 năm 2019;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy (sau đây viết tắt là Thông tư số 08/2012/TT-BGTVT) và Thông tư số 03/2013/TT-BGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2012/TT- BGTVT (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2013/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Thông tư số 08/2012/TT-BGTVT như sau:

“Điều 3. Phạm vi hoạt động của phương tiện

1. Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là phương tiện thủy) của Việt Nam được cấp Giấy phép vận tải qua biên giới chỉ được phép hoạt động vận tải đường thủy qua lại theo tuyến đường thủy và các cảng, bến, cụm cảng của Campuchia theo quy định tại mục 1, mục 4.1 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phương tiện thủy của Campuchia khi vào Việt Nam không được phép vận tải hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Việt Nam (vận tải nội địa) và chỉ được phép hoạt động qua lại theo tuyến đường thủy và các cảng, bến, cụm cảng của Việt Nam theo quy định tại mục 2, mục 4.2 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong phạm vi tuyến đường thủy và cảng, bến, cụm cảng được quy định tại Thông tư này, phương tiện thủy của Việt Nam và Campuchia có Giấy phép vận tải qua biên giới được thực hiện các hoạt động sau mà không được coi là vận tải nội địa:

a) Xếp hàng hóa hoặc đón hành khách lên phương tiện thủy tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định tại mục 4.2 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để vận chuyển sang Campuchia;

b) Dỡ hàng hóa hoặc trả hành khách tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định tại mục 4.2 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với hàng hóa và hành khách từ Campuchia vận chuyển sang Việt Nam.

4. Tàu biển tham gia vận tải quá cảnh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật tại các địa điểm sau:

a) Nhập cảnh (đến): Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại Vũng Tàu hoặc tại cửa Định An;

b) Xuất cảnh (rời): Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước.

5. Phương tiện thủy của Việt Nam và Campuchia tham gia vận tải qua biên giới từ Việt Nam sang Campuchia:

a) Tiến hành một lần các thủ tục liên quan đến việc xuất cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật tại cảng hoặc bến khởi hành đầu tiên. Khi phương tiện thủy đến Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật cho cơ quan chức năng tại cửa khẩu trước khi rời lãnh thổ Việt Nam;

b) Trường hợp hàng hóa, hành khách được xếp, đón lên phương tiện thủy trên đường hành trình theo quy định tại khoản 3 Điều này mà chưa được làm thủ tục thì phải khai báo, nộp, xuất trình các loại giấy tờ cho cơ quan hải quan, kiểm dịch động thực vật, y tế, biên phòng tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước để hoàn tất thủ tục cho hàng hóa và hành khách chưa làm thủ tục trước khi xuất cảnh;

c) Trường hợp tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định không có đầy đủ các cơ quan chức năng, các thủ tục còn thiếu sẽ được tiến hành tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 08/2012/TT-BGTVT như sau:

“1. Phương tiện thủy hoạt động vận tải đường thủy qua lại biên giới phải mang theo và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan phân cấp tàu của quốc gia mà phương tiện đăng ký cấp;

c) Giấy phép vận tải qua biên giới do cơ quan có thẩm quyền cấp;

[...]