Thông tư 120/2020/TT-BQP quy định về phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 120/2020/TT-BQP
Ngày ban hành 06/10/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phan Văn Giang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/2020/TT-BQP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về phân cấp; tiêu chuẩn phân cấp; phong cấp, giữ cấp, lưu cấp, hạ cấp; biểu tượng và giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội.

2. Các tiêu chuẩn phân cấp quy định trong Thông tư này là mức tối thiểu cần đạt được khi phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ điều khiển máy bay quân sự và nhiệm vụ khác trên không theo tính năng thiết kế của máy bay quân sự (sau đây gọi chung là phi công, thành viên tổ bay).

2. Cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phi công quân sự là người trực tiếp điều khiển hoặc tham gia điều khiển máy bay quân sự trên không. Chủng loại, tính năng của phương tiện bay có phi công tiêm kích, phi công tiêm kích bom, phi công ném bom (cường kích), phi công trinh sát tuần thám, phi công vận tải, phi công trực thăng, phi công thử nghiệm.

2. Phi công lái chính (áp dụng đối với các loại máy bay, trực thăng có biên chế tổ bay) là người chỉ huy tổ bay, trực tiếp điều khiển máy bay, trực thăng trên không và chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả chuyến bay.

3. Phi công lái phụ (áp dụng đối với các loại máy bay có biên chế tổ bay) là người phụ giúp lái chính, tham gia điều khiển máy bay trên không khi được lái chính giao.

4. Phi công giảng viên (áp dụng đối với Trường sỹ quan Không quân) và phi công giáo viên (áp dụng với các đơn vị chiến đấu) là người dạy cho học viên bay và phi công khi bay đào tạo, bay hồi phục, bay chuyển loại hoặc huấn luyện các bài bay, khoa mục bay mới; là người kiểm tra bay đối với các phi công và học viên bay theo giáo trình huấn luyện chiến đấu (giáo trình huấn luyện đào tạo) hoặc chỉ thị của cấp trên và chịu trách nhiệm về kết quả, an toàn chuyến bay.

5. Dẫn đường trên không là người thực hiện công tác dẫn đường trên không bằng cách xác định liên tục vị trí máy bay, trực thăng theo hướng bay, tốc độ, độ cao, tọa độ quy định để dẫn máy bay, trực thăng cất cánh, hạ cánh, bay theo đường bay đến các địa điểm, khu vực, mục tiêu, sân bay, bãi hạ cánh theo các nhiệm vụ được giao.

6. Phi công kiêm dẫn đường (dẫn đường phi công lái phụ) là người thực hiện nhiệm vụ dẫn đường trên không và trực tiếp điều khiển máy bay, trực thăng trên không khi được lái chính giao.

7. Cơ giới trên không là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật hàng không; trực tiếp kiểm tra, tra nạp các loại dầu lên máy bay, trực thăng; kiểm tra, quan sát các chế độ làm việc của động cơ và sự làm việc liên tục của các hệ thống thiết bị lái, dẫn đường; sử dụng băng tải, cửa rem, điều khiển thả bom; sử dụng tời, cẩu hàng, người từ mặt đất, mặt nước lên trực thăng; cùng tổ bay xử lý các hỏng hóc phát sinh của kỹ thuật hàng không trong chuyến bay.

8. Trinh sát tuần thám trên không là người chịu trách nhiệm trực tiếp điều khiển hệ thống giám sát hàng hải trên máy bay thực hiện nhiệm vụ tuần thám trên không theo chức trách trong hướng dẫn sử dụng thiết bị tuần thám và sổ tay phi công, phối hợp cùng tổ bay thực hiện nhiệm vụ chuyến bay tuần thám.

9. Tổ bay là nhóm người điều khiển và tham gia thực hiện nhiệm vụ trên không theo tính năng thiết kế của máy bay, trực thăng. Thành phần tổ bay gồm phi công lái chính, phi công lái phụ và thành viên tổ bay theo quy định đối với từng loại máy bay, trực thăng.

10. Thành viên tổ bay là nhóm người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên không theo tính năng thiết kế của máy bay, trực thăng, gồm: Dẫn đường trên không, cơ giới trên không, thông tin trên không, trinh sát tuần thám trên không và các thành viên chuyên ngành khác trên máy bay, trực thăng.

11. Tổng giờ bay tích lũy là tổng giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên các loại máy bay quân sự đã bay.

12. Giờ bay tích lũy trên loại máy bay, trực thăng đang bay là giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên loại máy bay quân sự thời điểm hiện tại đang bay.

13. Giờ bay trong năm so với chỉ tiêu là giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên loại máy bay quân sự đạt được trong năm so với chỉ tiêu giờ bay đã được giao.

Chương II

[...]
15
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ