Thông tư 12-TT-VP-1964 quy định mẫu và cách làm giấy xin gửi hàng và giấy vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện vận tải cơ giới đường biển do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 12-TT-VP
Ngày ban hành 23/06/1964
Ngày có hiệu lực 08/07/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Dương Bạch Liên
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TT-VP

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MẪU VÀ CÁCH LÀM GIẤY XIN GỬI HÀNG VÀ GIẤY VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI CƠ GIỚI ĐƯỜNG BIỂN

Giấy xin gửi hàng và giấy vận chuyển hàng hóa là một hình thức giấy tờ rất cần thiết, là cơ sở pháp lý trong mối quan hệ giao dịch giữa chủ hàng và bên vận tải trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng để quy định nhiệm vụ và phương pháp giao nhận cụ thể, thanh toán cước phí, giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa bên vận tải và bên chủ hàng hóa từng chuyến một. Cụ thể là:

a) Đối với bên vận tải, giấy vận chuyển là biên lai nhận hàng của người gửi mà bên vận tải có trách nhiệm vận chuyển theo điều kiện đã ghi, đảm bảo số lượng, trọng lượng, chất lượng và tình trạng hàng hóa nhận chở, mặt khác giấy vận chuyển còn là chứng từ để thu cước phí vận tải và các phụ phí khác nếu có.

b) Đối với chủ hàng, giấy vận chuyển là chứng từ mà bên vận tải đã nhận hàng ở nơi đi và để nhận hàng ở nơi đến, theo các điều kiện đã ghi và là chứng từ để thanh toán cước phí vận chuyển và phụ phí khác nếu có.

Tính chất quan trọng của giấy xin gửi hàng và giấy vận chuyển là như vậy nhưng từ trước đến nay các thủ tục giấy tờ giao dịch giữa chủ hàng và xí nghiệp vận tải cơ giới đường biển đang còn làm theo kinh nghiệm cũ, chưa thành nề nếp thống nhất.

Tình hình này đã có những trường hợp gây nên những trở ngại, khó khăn cho sự quan hệ và phân định trách nhiệm của bên vận tải và chủ hàng, nhất là đối với khâu giao nhận hàng hóa, xếp dỡ hàng hóa và trong những khi có sự tranh chấp của đôi bên.

Để tăng cường công tác quản lý vận tải cơ giới đường biển và để cho mối quan hệ giao dịch giữa chủ hàng và bên vận tải đi vào nề nếp, thống nhất, Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ về vận chuyển hàng hóa đường biển bằng phương tiện vận tải cơ giới.

Trong điều 7 của điều lệ quy định: “Chủ hàng phải gửi cho bên vận tải giấy gửi hàng chậm nhất là 3 ngày trước mỗi chuyến hàng. Bên vận tải phải trả lời cho chủ hàng biết về số phương tiện điều động đến để xếp hàng và ngày, giờ xếp hàng chậm nhất là 24 tiếng đồng hồ trước giờ xếp hàng.

Sau khi xếp hết hàng xuống tàu, thuyền trưởng căn cứ vào kết quả của việc cân, đo, đếm hoặc vào tờ khai của chủ hàng làm giấy vận chuyển cho chuyến hàng đó…

Giấy vận chuyển là chứng từ thanh toán cước vận chuyển. Giấy vận chuyển do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Thi hành Nghị định số 196-CP ngày 31-12-1963 và điều 57 trong điều lệ của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư này để quy định mẫu và cách làm giấy xin gửi hàng, giấy vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển (kèm theo thông tư này).

Nội dung và cách làm giấy xin gửi hàng, giấy vận chuyển.

1. Mẫu số 1 - Giấy xin gửi hàng (khổ giấy 28cm x 18cm).

Giấy xin gửi hàng do bên chủ hàng làm theo mẫu của Bộ Giao thông vận tải quy định. Mẫu này do các xí nghiệp vận tải cung cấp cho chủ hàng theo giá in. Chủ hàng căn cứ vào khối lượng và loại hàng mà hợp đồng tháng đã phân bổ cho từng 10 ngày hoặc đã cùng bên vận tải lập kế hoạch 10 ngày làm giấy xin gửi hàng cho từng chuyến gửi cho bên vận tải chậm nhất là 3 ngày trước mỗi chuyến hàng.

Trường hợp bên vận tải và bên chủ hàng không có hợp đồng, trường hợp bên chủ hàng có hàng đột xuất, ngoài kế hoạch, cần thuê bên vận tải vận chuyển (thuê chở một khối lượng, thuê từng chuyến, thuê một hầm, thuê chở hàng lẻ v.v…) cũng phải làm giấy xin gửi hàng gửi cho bên vận tải như quy định của Chính phủ.

Như vậy là cứ mỗi chuyến hàng, bên chủ hàng phải lập một giấy xin gửi hàng.

Giấy xin gửi hàng chia làm nhiều cột và dòng có đánh số thứ tự. Chủ hàng ghi vào giấy xin gửi hàng theo từng số của các cột và dòng như sau:

(1) Giấy xin gửi hàng bằng tàu biển số… Ghi số thứ tự giấy xin gửi hàng của chủ hàng theo từng năm một.

(2) (3) (5) Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ hàng. Các số này ghi rõ tên, địa chỉ và số điện thoại của cơ quan, xí nghiệp hay người gửi hàng và tên địa chỉ cơ quan xí nghiệp hay họ tên của người nhận hàng có trách nhiệm thanh toán tiền cước và các tiền tạp phí vận tải.

(4) Số tài khoản ở Ngân hàng. (Ghi rõ số tài khoản của chủ hàng mở tại Ngân hàng nào, ở đâu. Nếu chủ hàng không có tài khoản thì để trắng).

(6) Áp tải hàng: Ghi rõ họ, tên người của chủ hàng đi áp tải. Nếu không người đi áp tải thì để trắng.

(7) Tên và địa chỉ xí nghiệp vận tải: Chủ hàng đưa hàng cho xí nghiệp vận tải nào vận chuyển thì ghi tên xí nghiệp đó. Chú ý không ghi tên tắt.

(8) Hàng trong kế hoạch hay ngoài kế hoạch: Ghi rõ hàng gửi đi có nằm trong chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước hay không. Nếu là hàng đột xuất có lệnh của cấp nào thì cũng ghi rõ vào đấy, ghi cả số lệnh và cấp ra lệnh.

(9) Hợp đồng vận tải: Khối lượng hàng này thuộc khối lượng của hợp đồng số mấy, ký bao giờ, ai ký.

(10) Hình thức thuê vận chuyển: có bốn hình thức thuê vận chuyển:

- Thuê chở một khối lượng.

- Thuê nguyên cả chuyến.

[...]