BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2022/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN THI HOẶC XÉT THĂNG HẠNG; HÌNH
THỨC, NỘI DUNG VÀ XÁC ĐỊNH NGƯỜI TRÚNG TUYỂN TRONG KỲ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH
NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Luật Thể dục thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể
dục thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm
2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm
2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét
thăng hạng; hình thức, nội dung và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu
chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; hình thức, nội dung và xác định người
trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành thể dục thể thao.
2. Thông tư này áp dụng đối với
viên chức chuyên ngành thể dục thể thao công tác trong các đơn vị sự nghiệp
công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Huấn luyện viên trực tiếp
huấn luyện vận động viên đạt huy chương tại các giải thể thao quốc tế là huấn
luyện viên được phân công trực tiếp đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo các vận động
viên thi đấu giành được huy chương tại giải thể thao quốc tế.
2. Môn thể thao Olympic,
Paralympic là môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại
các Đại hội Olympic, Đại hội Paralympic.
3. Môn thể thao tại Đại hội
thể thao châu Á, Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á là môn thể thao
được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại các Đại hội thể thao châu Á, Đại
hội thể thao người khuyết tật châu Á.
Điều 3.
Tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
1. Được cơ quan, tổ chức, đơn vị
có thẩm quyền cử tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện
quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý viên chức.
3. Đáp ứng yêu cầu về văn bằng,
chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại
Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng
10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu
chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể
thao.
Điều 4.
Tiêu chuẩn, điều kiện dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
1. Huấn luyện viên chính (hạng
II) lên Huấn luyện viên cao cấp (hạng I):
Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện
tại Điều 3 Thông tư này và có thành tích xuất sắc trong hoạt
động nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm, cụ thể:
Viên chức trong thời gian giữ
chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) trực tiếp huấn luyện, đào
tạo vận động viên đạt ít nhất một trong các thành tích: Huy chương tại Đại hội
Olympic; Huy chương tại Đại hội Paralympic; Huy chương vàng tại giải vô địch thế
giới; Huy chương vàng tại Đại hội thể thao châu Á; Huy chương vàng tại Đại hội
thể thao người khuyết tật châu Á; Huy chương vàng tại Đại hội Olympic trẻ.
2. Huấn luyện viên (hạng III)
lên Huấn luyện viên chính (hạng II):
Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện
tại Điều 3 Thông tư này và có thành tích xuất sắc trong hoạt
động nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm, cụ thể:
Viên chức trong thời gian giữ
chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) trực tiếp huấn luyện, đào tạo
vận động viên đạt ít nhất một trong các thành tích: Huy chương tại Đại hội thể thao
châu Á; Huy chương tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á; Huy chương
vàng giải vô địch châu Á của các môn thể thao Olympic, Đại hội thể thao châu Á;
Huy chương tại giải vô địch thế giới; Huy chương tại Đại hội Olympic trẻ.
3. Hướng dẫn viên (hạng IV) lên
Huấn luyện viên (hạng III): Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều
3 Thông tư này và là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Hướng dẫn
viên (hạng IV).
Chương II
HỒ SƠ, HÌNH THỨC, NỘI
DUNG; XÁC ĐỊNH NGƯỜI TRÚNG TUYỂN TRONG KỲ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 5. Hồ
sơ, hình thức, nội dung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Căn cứ vị trí việc làm và nhu cầu
của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan sử dụng viên chức đề nghị cơ quan quản
lý viên chức xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền
xem xét, quyết định việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:
1. Hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao thực hiện theo
quy định tại Điều 36 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
2. Hình thức xét thăng hạng: Thẩm
định hồ sơ.
3. Nội dung xét thăng hạng: Thẩm
định việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Điều 6. Xác
định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng
1. Viên chức trúng tuyển trong
kỳ xét thăng hạng là viên chức đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định
tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này và được người đứng đầu cơ
quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng công nhận kết quả trúng tuyển trong kỳ xét
thăng hạng.
2. Trường hợp có từ 02 người trở
lên bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực
hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Viên chức là nữ; viên chức là người dân tộc thiểu
số; viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm); viên chức có thời
gian công tác nhiều hơn.
Nếu vẫn không xác định được người
trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng
hạng chức danh nghề nghiệp xem xét, quyết định sau khi trao đổi với người đứng
đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ
tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này theo thẩm quyền được giao cử
viên chức tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và chịu trách
nhiệm về tiêu chuẩn, điều kiện của viên chức được cử tham dự thi hoặc xét thăng
hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền được giao tổ chức thi hoặc xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao đảm bảo
thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Hiệu
lực thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 2 năm 2023.
2. Bãi bỏ Thông tư số 23/2018/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 8 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung
và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành thể dục thể thao.
3. Đối với các cơ quan, tổ chức,
đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức thi hoặc xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao trước
ngày ban hành Thông tư này thì tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được
phê duyệt trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư
này.
4. Trường hợp các văn bản dẫn
chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo
các văn bản mới đó.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
6. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu
sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
- Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở VHTTTTDL;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Cổng TTĐT Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, Vụ TCCB.AT.300.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Hùng
|