Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 12/2013-TTLT-BCA-BQP-BTC hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 12/2013-TTLT-BCA-BQP-BTC
Ngày ban hành 02/12/2013
Ngày có hiệu lực 20/01/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp,Lê Quý Vương,Nguyễn Thành Cung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2013-TTLT-BCA-BQP-BTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ LAO ĐỘNG, HỌC NGHỀ CỦA PHẠM NHÂN TRONG TRẠI GIAM

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn về chế độ lao động của phạm nhân và tổ chức lao động cho phạm nhân; sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam; bảo đảm nguồn vốn và quản lý, sử dụng nguồn vốn lao động cho phạm nhân; trách nhiệm của trại giam và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý; cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng và các trại giam, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Tuân thủ quy định của Luật Thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với phạm nhân.

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

3. Bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đúng mục đích kết quả lao động, học nghề của phạm nhân, góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần cho trại giam và phạm nhân để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Chương II

CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG CỦA PHẠM NHÂN VÀ VIỆC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, HỌC NGHỀ CHO PHẠM NHÂN

Điều 4. Chế độ lao động của phạm nhân

1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù ở trại giam, phạm nhân có nghĩa vụ phải lao động để cải tạo và trở thành công dân có ích cho xã hội; Giám thị trại giam có trách nhiệm bố trí lao động cho phạm nhân phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng phạm nhân và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục phạm nhân.

Thời gian lao động của phạm nhân trong một ngày không quá 08 giờ, trường hợp lao động công việc nặng nhọc, độc hại theo danh mục do pháp luật quy định thì thời gian lao động trong một ngày không quá 06 giờ; phạm nhân được bố trí ngày thứ bảy để học tập và được nghỉ lao động ngày chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 02 giờ trong 01 ngày; phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

2. Không bố trí công việc nặng nhọc, độc hại theo danh mục do pháp luật quy định đối với các trường hợp sau đây:

a) Phạm nhân là nam từ 60 tuổi trở lên;

b) Phạm nhân là người chưa thành niên;

c) Phạm nhân là nữ;

d) Phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe (mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần) để lao động nặng nhọc, độc hại.

3. Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:

[...]