Thông tư 117/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 63/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với ngành hải quan năm 2009 và năm 2010 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 117/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 05/06/2009
Ngày có hiệu lực 20/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 117/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 63/2009/QĐ-TTG NGÀY 20/4/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ BIÊN CHẾ ĐỐI VỚI NGÀNH HẢI QUAN NĂM 2009 VÀ NĂM 2010

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 63/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với ngành Hải quan năm 2009 và năm 2010;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với ngành Hải quan năm 2009 và năm 2010 như sau:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng thực hiện

Thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với các đơn vị thuộc ngành Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính trong năm 2009 và năm 2010 theo Quyết định số 63/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

Việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của ngành Hải quan phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu sau:

1. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các khoản thu thuế xuất nhập khẩu; hoàn thành nhiệm vụ thu thuế cho ngân sách nhà nước được nhà nước giao.

2. Đổi mới cơ chế quản lý biên chế và kinh phí hoạt động của ngành Hải quan; thúc đẩy việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao; sử dụng kinh phí được giao gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động tổ chức thu ngân sách nhà nước; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị trong tổ chức công việc, sử dụng lao động và sử dụng các nguồn lực tài chính.

3. Chủ động trong sử dụng nguồn kinh phí được giao, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và trang bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá công nghệ quản lý nhằm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ nhà nước giao, đủ điều kiện hội nhập quốc tế; tăng cường đào tạo và bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức.

4. Thực hiện công khai dân chủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức ngành Hải quan.

Điều 3. Về biên chế

1. Biên chế của ngành Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Hải quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định trên cơ sở chủ động tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý và sử dụng lao động theo đúng chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ động tổ chức, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của Bộ Tài chính. Tổng số biên chế giao cho các đơn vị thuộc ngành Hải quan không vượt quá chỉ tiêu biên chế đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho ngành Hải quan.

Ngoài số biên chế được giao, ngành Hải quan được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp do thành lập thêm hoặc sáp nhập Cục Hải quan tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ động sắp xếp biên chế trong tổng biên chế được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao. Trường hợp cần thiết cần phải tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng công việc mới phát sinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để xem xét và thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Kinh phí bảo đảm hoạt động của ngành Hải quan

1. Kinh phí bảo đảm hoạt động của ngành Hải quan được xác định là 1,6% trên dự toán thu được Quốc hội thông qua do ngành Hải quan tổ chức thực hiện trong dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Dự toán thu làm cơ sở để xác định kinh phí bảo đảm hoạt động của ngành Hải quan bao gồm:

- Thuế xuất khẩu;

- Thuế nhập khẩu;

- Thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu.

3. Trường hợp số thu do ngành Hải quan tổ chức thực hiện hàng năm tăng, hoặc giảm so với dự toán thu được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định tại Điều 59, Luật ngân sách nhà nước.

4. Khi nhà nước thay đổi chính sách, chế độ, ngành Hải quan tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách, chế độ mới. Trường hợp do các yếu tố khách quan dẫn đến mức kinh phí giao cho ngành Hải quan không đủ để bảo đảm mức chi tối thiểu duy trì hoạt động bộ máy thì Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 5. Các nguồn kinh phí khác

Ngoài mức kinh phí được giao theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, ngành Hải quan còn được sử dụng các nguồn kinh phí sau:

[...]