Thông tư 1165-VH/TT năm 1961 về việc dùng giấy và một số khuôn khổ chủ yếu cho các loại giấy tờ, sổ sách hành chính sự nghiệp và dân dụng do Bộ Văn hoá ban hành.

Số hiệu 1165-VH/TT
Ngày ban hành 18/11/1961
Ngày có hiệu lực 03/12/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá
Người ký Nguyễn Đức Quỳ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1165-VH/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC DÙNG GIẤY VÀ MỘT SỐ KHUÔN KHỔ CHỦ YẾU CHO CÁC LOẠI GIẤY TỜ, SỔ SÁCH HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP VÀ DÂN DỤNG

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA

Kính gửi:

- Các Bộ, các cơ quan trung ương
- Các sở, Ty Văn hóa
- Cục xuất bản,
- Công ty cung cấp ngành in
- Các nhà in quốc doanh và công tư hợp doanh

 

Ngày 04-3-1961, Phủ Thủ tướng đã ra chỉ thị số 534/CN và ngày 15-3-1961 Bộ Văn hóa cũng đã có chỉ thị số 343/VH-CT về việc “Đẩy mạnh sản xuất giấy trong nước và hết sức tiết kiệm trong việc dùng giấy”.

Việc dùng giấy in để in các tài liệu, giấy tờ, sổ sách của các cơ quan, các doanh nghiệp, xí nghiệp đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc dùng giấy còn nhiều trường hợp chưa hợp lý, gây ra lãng phí. Có những loại giấy tờ có thể in rô-nê-ô cũng đưa in máy; cùng loại giấy tờ, sổ sách nội dung như nhau (giấy giới thiệu, công lệnh, giấy mời, bảng lương, phiếu xuất nhập kho, thu chi tiền, v.v... ) in nhiều khuôn khổ khác nhau; có loại ấn phẩm có thể in bằng giấy trong nước được cũng in bằng giấy ngoại; sổ sách lưu trữ tính chưa sát, còn để thừa nhiều giấy trắng chưa có kế hoạch tận dụng v.v...

Những hiện tượng dùng giấy chưa hợp lý trên đây chứng tỏ các cơ quan, xí nghiệp chưa quán triệt tinh thần chỉ thị tiết kiệm giấy của Trung ương Đảng và Chính phủ, chưa thấy hết những khó khăn của ta trong việc sản xuất giấy và nhập giấy nước ngoài, gây khó khăn cho việc cung cấp giấy, lãng phí công quỹ của Nhà nước.

Thi hành Chỉ thị của Phủ Thủ tướng và để tránh lãng phí giấy. Sau khi thỏa thuận với các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các cơ quan trung ương theo biên bản hội nghị ngày  27-10-11961 và được sự đồng ý của Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng, Bộ Văn hóa ra thông tư quy định việc dùng giấy và một số khuôn khổ chủ yếu cho các loại giấy tờ, sổ sách hành chính, sự nghiệp và dân dụng.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Cần nhiều in nhiều, cần ít in ít, chưa cần thì cương quyết không in.

2. Đáng dùng loại giấy nào, dùng loại giấy ấy; cố gắng dùng giấy trong nước, dùng hết khổ giấy.

3. Trình bày các loại nhãn hiệu cần đẹp, nhưng đơn giản, rõ ràng, không quá cầu kỳ, gây lãng phí.

II. QUY ĐỊNH SỬ DỤNG GIẤY TỜ TỪNG LOẠI ẤN PHẨM

1. Các loại sổ sách kế toán, giấy tờ hành chính sự nghiệp dùng để viết và sau này còn lưu trữ thì tùy tính chất từng loại lưu trữ lâu hay thời gian ngắn có thể dùng các loại giấy viết được 2 mặt, không nhòe như giấy “Hoàng Văn Thụ”, giấy “Học sinh Việt Trì” loại 1, khổ 79 x 109 cm, trọng lượng 60gr/m2.

Bìa: dùng các-tông gáy góc vải, phủ giấy hoa hoặc loại bìa sản xuất trong nước loại dày. Đóng sách theo kiểu khâu chỉ từng tay có băng vải (registre).

2. Các loại phiếu xuất, nhập kho, phiếu thu, chi tiền, hóa đơn v.v... khi viết phải lót giấy than, dùng giấy mỏng các màu (pelure) hoặc giấy “Tầu bạch” một mặt nhẵn, một mặt ráp, trọng lượng 28gr/m2

3. Các loại vé (bóng đá, chiếu bóng, văn công, xe đạp, xe điện, vé chợ v.v... ) các loại phiếu ăn, các loại giấy chứng từ in một mặt, giấy khám bệnh dùng giấy “Quảng cáo Hoàng Văn Thụ” khổ 65 x 100cm hoặc giấy “Mộc Việt trì” loại 2.

Bìa của 2 loại phiếu, vé trên (theo mục 1 và 2) dùng bìa trong nước các màu hoặc giấy kơ-rap (karaf).

4. Các loại giấy in khẩu hiệu, giấy tờ in sẵn của các cơ quan (như giấy đi đường, phiếu gửi v.v... ) dùng giấy “Mộc Việt trì” loại 1 hoặc giấy “Hoàng Văn Thụ” các mẩu khổ 79 x 109cm và 65 x 100cm. Riêng giấy giới thiệu chia làm 2 loại: nếu dùng thời gian dài thì in bằng giấy “Học sinh Việt trì” loại 2; nếu dùng thời gian ngắn (như mua bán nguyên vật liệu, thực phẩm, giao dịch v.v... ) thì in bằng giấy “Mộc Việt trì” loại 2, nếu in bằng máy in, hay giấu in rô-nê-ô nếu in bằng máy rô-nê-ô.

5. Các loại nhãn hiệu hàng hóa (như bao gói chè, bao gói tút thuốc lá, nhãn chỉ, nhãn thuốc, nhãn chuối, nhãn hộp phấn, bao cao đơn hoàn tán v.v... )

a) Nếu in nhãn kiêm giấy gói (bao gói chè, bao gói thuốc lá…) thì dùng giấy “Quảng cáo HVT” các màu hoặc giấy “Mộc Việt trì” loại 2

b) Nếu in nhãn hiệu dùng vào hàng xuất khẩu thì tùy tính chất của mỗi loại hàng sẽ dùng giấy “Học sinh Việt trì” loại 1 hoặc giấy “Đạo lâm và giấy Bristol”.

c) Ngoài 2 trường hợp trên, nhãn hiệu đều dùng giấy “Học sinh Việt trì” loại 2 hoặc 3.

6. Các loại giấy in mẫu, biểu kế hoạch thống kê báo cáo v.v... nếu in 2 mặt và dùng để viết, dùng giấy “Học sinh VT” loại 1. Ngoài ra, đều dùng giấy viết 2 mặt, không nhòe “HVT”.

7. Các loại sổ lao động, sổ giấy trắng (như sổ tay công tác, sổ học tập v.v... ) dùng giấy “Học sinh Việt trì” loại 1; bìa: dùng bìa “HVT” các màu, nếu cần thiết bìa có thể dùng các-tông, giấy góc vải, phủ giấy hoa.

8. Các loại giấy mời:

a) Giấy mời thông thường của các cơ quan, đoàn thể dùng giấy “Mộc Việt trì” loại 1 hoặc giấy “Quảng cáo HVT” các màu.

[...]