Thông tư 113-HĐBT-1989 hướng dẫn thi hành Luật bầu cử Hội đồng Nhân dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 113-HĐBT
Ngày ban hành 05/09/1989
Ngày có hiệu lực 20/09/1989
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Nguyễn Khánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113-HĐBT

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 1989

 

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 113-HĐBT NGÀY 5-9-1989 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ngày 30 tháng 6 năm 1989 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ V đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Hội đồng Nhà nước đã quyết định ngày 19 tháng 11 năm 1989 tiến hành trong cả nước cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã và cơ sở.

Để tiến hành các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân sắp tới bảo đảm dân chủ, đúng Luật và đạt kết quả, Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật như sau:

1. Về quyền bầu cử và ứng cử

Thực hiện theo điều 2 và điều 26 của Luật. Nói rõ thêm một số điểm sau:

a) Việc tính tuổi bầu cử và ứng cử, tính từ ngày bầu cử (19-11-1989) trở về trước, công dân nào đủ 18 tuổi thì có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi thì có quyền ứng cử. Mỗi tuổi là 12 tháng.

b) Việc xác định những người bị tước quyền bầu cử và không được sử dụng quyền bầu cử thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 498-NQ/HĐNN 7 ngày 29-2-1984 của Hội đồng Nhà nước.

c) Chậm nhất là 30 ngày, trước ngày bầu cử, cơ quan có trách nhiệm lập danh sách cử tri nói ở điều 22 của Luật phải niêm yết danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu; phải sử dụng các hình thức thông tin thích hợp ở địa phương để thông báo cho mọi cử tri biết rõ những người có quyền bầu cử và những người không có quyền bầu cử trong kỳ bầu cử này.

Việc giải quyết những khiếu lại về quyền bầu cử thực hiện theo điều 24 của Luật.

2. Về tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân. Luật bầu cử đã ghi rõ những đặc điểm chung. Cần tuyên truyền giải thích để mỗi người dân hiểu rõ hiểu đúng những tiêu chuẩn ấy sát đúng với địa phương. Điều then chốt là phải lựa chọn để bầu được những đại biểu là người có trình độ, có năng lực làm việc và làm việc tốt, thực sự hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, có đạo đức tư cách tốt; không vì yêu cầu cơ cấu mà hạ thấp yêu cầu về năng lực, trình độ.

Cần phải hướng dẫn để mọi người thấy rõ cần thiết phải lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, đồng thời chú trọng đến cơ cấu thành phần đại biểu trong Hội đồng Nhân dân, để Hội đồng phản ánh được ý chí, nguyện vọng và khả năng của các tầng lớp nhân dân ở từng địa phương.

3. Các tổ chức phụ trách bầu cử.

Điều 16 đã quy định hội đồng bầu cử được thành lập ở tỉnh, huyện, xã và tương đương.

Mỗi đơn vị bầu cử thành lập một ban bầu cử.

Mỗi khu vực bỏ phiếu thành lập Tổ bầu cử.ở những đơn vị bầu cử đồng thời là khu vực bỏ phiếu thì Ban bầu cử đó kiêm luôn nhiệm vụ của tổ bầu cử.

ở những nơi bầu cử Hội đồng Nhân dân 2 cấp trở lên cùng 1 ngày, nếu đơn vị bầu cử của Hội đồng nhân dân tỉnh là huyện thì Hội đồng bầu cử Hội đồng Nhân dân huyện kiêm cả nhiệm vụ của Ban bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh, nếu đơn vị bầu cử hội đồng Nhân dân huyện là xã thì Hội đồng bầu cử xã làm luôn nhiệm vụ của Ban bầu cử Hội đồng nhân dân huyện.

Uỷ ban Nhân dân có trách nhiệm chủ động trao đổi với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận về việc thành lập Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử để lựa chọn các đại biểu đủ năng lực và trình độ đại diện cho các tổ chức đó tham gia. Uỷ ban Nhân dân là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân về chỉ đạo cuộc bầu cử, có trách nhiệm xem xét kỹ về thành phần và nhân sự của các Hội đồng bầu cử và Ban bầu cử.

Hội đồng bầu cử bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký; Ban bầu cử bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban và thư ký; Tổ bầu cử bầu Tổ trưởng, Tổ phó và thư ký, theo phương pháp bàn bạc nhất trí. Nếu không nhất trí thì biểu quyết hoặc bỏ phiếu bầu.

Về số lượng thành viên Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban Nhân dân bàn với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để quyết định cụ thể, căn cứ vào số đơn vị bầu cử ở mỗi cấp và số lượng khu vực bỏ phiếu.

- Nếu có 8 đơn vị bầu cử thì cử 11 người, có từ 9 đến 12 đơn vị bầu cử thì cử 15 người; có từ 13 đơn vị trở lên thì cử từ 17 đến 21 người vào Hội đồng bầu cử.

- Nếu đơn vị bầu cử có hai khu vực bỏ phiếu thì cử 5 người, có từ 3 đến 4 khu vực bỏ phiếu thì cử 7 đến 9 người, từ 6 đến 10 khu vực bỏ phiếu thì cử từ 11 đến 13 người, từ 11 khu vực bỏ phiếu trở lên thì cử 15 người vào Ban bầu cử.

Thời hạn thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo các điều 17, 18, 19 của Luật. Sau đó, phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác bầu cử về Luật bầu cử và kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước, làm cho mỗi người nắm vững nhiệm vụ quyền hạn theo Luật định, kế hoạch tổ chức bầu cử và từng khâu, từng việc cụ thể trong cuộc bầu cử lần này.

4. Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu.

a) Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân ở mỗi cấp đã được quy định trong điều 9 của Luật, các cấp cần phải chấp hành đúng.

Căn cứ vào số dân mới được xác định qua điều tra dân số năm 1989 để tính số đại biểu được bầu cho mỗi cấp.

b) Theo quy định ở điều 10 của Luật bầu cử thì mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân được bầu không quá 3 đại biểu dựa vào cấu tạo dân cư ở địa phương theo thôn, xóm, bản, ấp nếu là bầu cử Hội đồng Nhân dân xã và tương đương; theo xã hoặc liên xã nếu là bầu cử Hội đồng Nhân dân huyện và tương đương; theo huyện hoặc liên huyện nếu là bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh và tương đương để định đơn vị bầu cử cho mỗi cấp.

Cần dựa vào cấu tạo dân cư và địa hình ở từng đơn vị bầu cử mà ấn định khu vực bỏ phiếu nhằm bảo đảm thuận tiện cho cử tri đi bầu. Khi chia đơn vị bầu cử, không được xé lẻ sự cấu thành dân cư tự nhiên ở địa phương.

[...]