Thông tư 11-TT/CNCL-1996 hướng dẫn Nghị định 27/CP-1995 về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công Nghiệp ban hành

Số hiệu 11-TT/CNCL
Ngày ban hành 13/03/1996
Ngày có hiệu lực 13/03/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Nguyễn Đức Phan
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TT/CNCL

Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 11-TT/CNCL NGÀY 13 THÁNG 03 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 27/CP NGÀY 20-4-1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP.

Căn cứ vào Nghị định số 74/CP ngày 1-11-1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp.
Căn cứ Nghị đinh số 27/CP ngày 20-4-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 02/CP ngày 05-01-1995 của Chính phủ về hàng hoá dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước.
Căn cứ Nghị định số 17/CP ngày 28-12-1992 của Chính phủ về quản lý các ngành nghề đặc biệt.
Sau khi thống nhất với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ngành kinh tế có liên quan, Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư Hướng dẫn thi hành Nghị định 27/CP của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Các thuật ngữ được dùng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là vật liệu nổ dùng trong công nghiệp bao gồm thuốc nổ và các phụ kiện nổ thành phẩm.

2. Sản xuất VLNCN là quá trình sử dụng công nghệ chế tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh (thuốc nổ, phụ kiện nổ) nằm trong danh mục được phép sử dụng. Quá trình sản xuất VLNCN không bao gồm quá trình lưu thông cung ứng và sử dụng .

3. Sử dụng VLNCN là quá trình đưa vật liệu nổ ra dùng trong thực tế nhằm đạt được mục đích nhất định trong các ngành kinh tế khác nhau như: khai thác mỏ, xây dựng, giao thông, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học... theo một quy trình công nghệ đã được xác định trước. VLNCN chỉ được phép sử dụng khi được Bộ Công nghiệp cho phép.

4. Cung ứng VLNCN là quá trình lưu thông VLNCN từ nơi sản xuất, bảo quản, cửa khẩu (VLNCN nhập khẩu) đến nơi sử dụng, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, tiến độ giao hàng theo hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp cung ứng và đơn vị sử dụng.

5. Bảo quản VLNCN là quá trình cất giữ vật liệu nổ trong các kho (cố định hoặc tạm thời) sau khi chế tạo, mới nhập khẩu trước khi đem sử dụng, theo những quy định riêng để đảm bảo chất lượng, chống bị mất cắp, an toàn trong quá trình bảo quản.

6. Nghiên cứu chế thử VLNCN là quá trình xác lập công nghệ để tạo ra một loại vật liệu nổ mới như: thuốc nổ, các phụ kiện nổ, thiết bị cơ giới hoá nạp mìn, máy bắn mìn. Quá trình này phải tuân theo một trình tự theo quy định hiện hành và được cơ quan quản lý Nhà nước về VLNCN và nghiên cứu ứng dụng duyệt đề án.

Điều 2.

1. VLNCN là một vật tư kỹ thuật đặc biệt, cần phải có sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước về an ninh, an toàn lao động, cháy nổ, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường từ sản xuất đến sử dụng. VLNCN được xếp vào loại hàng hoá dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện, tại chương III Nghị định số 02/CP ngày 5-1-1995.

2. Chỉ các doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng mới được sản xuất và kinh doanh cung ứng VLNCN.

3. Chỉ các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định tại mục IV của Thông tư hướng dẫn này và được cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền mới được sử dụng VLNCN.

4. Cấm nghiên cứu chế tạo, sản xuất, vận chuyển mua bán, đổi chác, chuyển nhượng, xuất nhập khẩu và sử dụng VLNCN trái với pháp luật và những quy định của Thông tư hướng dẫn này.

II. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 3.

1. Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với VLNCN. Các Bộ và Cơ quan ngang Bộ chủ trì hoặc phối hợp thực hiện việc quản lý Nhà nước theo lĩnh vực đã được Chính phủ phân công có liên quan tới VLNCN.

2. Sở Công nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tham mưu, đầu mối giúp Tỉnh, Thành phố trong việc chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra giám sát quá trình lưu thông, sử dụng VLNCN trên địa bàn theo Nghị định và các Thông tư hướng dẫn hiện hành về VLNCN.

Điều 4.

Những nội dung chủ yếu quản lý Nhà nước về VLNCN gồm:

1. Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc Phòng, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể, chính sách, kế hoạch dài hạn, định hướng phát triển ngành VLNCN trong cả nước.

2. Bộ Công nghiệp chủ trì cùng với các Bộ liên quan xây dựng, trình duyệt, ban hành theo quy định các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện, Quy phạm, Tiêu chuẩn, Phòng thí nghiệm được công nhận về VLNCN.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì duyệt và ban hành các định mức về VLNCN theo đề nghị của các Bộ liên quan.

4. Bộ Công nghiệp công bố danh mục VLNCN được phép sử dụng hàng năm và ra quyết định bổ sung các loại VLNCN mới sản xuất, nhập khẩu lần đầu đã qua nghiệm thu thử nổ đạt tiêu chuẩn chất lượng.

5. Bộ Công nghiệp tổ chức xây dựng, duyệt nội dung nghiên cứu khoa học dài hạn, chương trình quốc gia, đề tài Nhà nước, đề tài cấp Bộ về VLNCN.

[...]