Thông tư 11/2010/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 11/2010/TT-BNV
Ngày ban hành 26/11/2010
Ngày có hiệu lực 10/01/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 11/2010/TT-BNV

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/2010/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP) như sau:

Điều 1. Ban vận động thành lập hội

1. Hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Đối với nhân sự dự kiến là người đứng đầu (Trưởng ban) ban vận động thành lập hội thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

2. Ban vận động thành lập hội giải thể trong các trường hợp sau:

a) Tự giải thể theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;

b) Quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực.

Điều 2. Tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội

1. Báo cáo tổ chức đại hội:

a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc Sở Nội vụ nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) và sở quản lý ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động;

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã báo cáo Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và phê duyệt điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã thì hội có phạm vi hoạt động trong xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Nội dung báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ:

a) Nghị quyết của ban lãnh đạo hội về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ;

b) Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của hội;

c) Dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có);

d) Dự kiến nhân sự ban lãnh đạo, ban kiểm tra của hội. Đối với nhân sự dự kiến là người đứng đầu hội thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này;

đ) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội.

3. Nội dung báo cáo đại hội bất thường:

a) Nghị quyết của ban lãnh đạo hội về việc tổ chức đại hội bất thường trong đó nêu rõ nội dung sẽ thảo luận và quyết định tại đại hội;

b) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội.

4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận nội dung báo cáo đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội; trong trường hợp cần lấy ý kiến cơ quan có liên quan đến ngành, lĩnh vực chính hội hoạt động thì chậm nhất không quá hai mươi lăm ngày phải có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội.

5. Hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

6. Trường hợp hội tổ chức đại hội mà không báo cáo theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP không phê duyệt điều lệ hội đã được đại hội thông qua.

Điều 3. Xử lý vi phạm thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định tại điều lệ hội

1. Hết thời hạn sáu tháng, kể từ ngày hội nhận được văn bản yêu cầu tổ chức đại hội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP mà lãnh đạo hội không tổ chức đại hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp:

a) Tổ chức họp ban lãnh đạo hội để đình chỉ việc điều hành hội của người đứng đầu hội và cử thành viên trong ban lãnh đạo hội tạm thời điều hành hoạt động hội thực hiện công việc chuẩn bị tổ chức đại hội cho đến khi hội tổ chức đại hội bầu được ban lãnh đạo mới;

[...]