Thông tư 101/2006/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định 26/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 101/2006/TT-BQP
Ngày ban hành 31/05/2006
Ngày có hiệu lực 27/06/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phạm Văn Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG

******

Số: 101/2006/TT-BQP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc - Tự do - Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 31 tháng 5  năm 2006

Thực hiện khoản 1 Điều 27 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng (sau đây viết gọn là Nghị định số 26/2006/NĐ-CP), Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 26/2006/NĐ-CP như sau:

1. Hệ thống của Thanh tra quốc phòng quy định tại Điều 1 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1.1. Thanh tra quốc phòng thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước được tổ chức thành hệ thống, thống nhất trong quân đội. Hoạt động của Thanh tra quốc phòng theo các quy định của pháp luật về Thanh tra và Thanh tra quốc phòng.

1.2. Quan hệ giữa cơ quan Thanh tra Bộ Quốc phòng và cơ quan Thanh tra quốc phòng các cấp là quan hệ giữa cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cấp trên với cơ quan nghiệp vụ cấp dưới.

1.3. Cơ quan Thanh tra Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu ngành Thanh tra quốc phòng có trách nhiệm: Chủ trì trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch, kiểm tra về tổ chức, biên chế và hoạt động của ngành Thanh tra quốc phòng trong toàn quân; nghiên cứu, biên soạn tài liệu, chỉ đạo bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thanh tra viên toàn ngành; hàng năm lập dự trù và phân bổ ngân sách, kinh phí nghiệp vụ cho Thanh tra quốc phòng các cấp; phối hợp với Ban Công đoàn quốc phòng thuộc Tổng cục Chính trị hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trong quân đội hoạt động theo quy định của pháp luật về thanh tra nhân dân.

1.4. Thanh tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo kết quả tổ chức và hoạt động của cơ quan mình về Thanh tra Bộ Quốc phòng theo quy định.

2. Đối tượng của Thanh tra quốc phòng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:

2.1. Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP quy định về đối tượng trong thanh tra chấp hành pháp luật Việt Nam về quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, cụ thể như sau:

a) Thanh tra Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra đối với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức kinh tế, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh).

b) Thanh tra quốc phòng quân khu tiến hành thanh tra đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức kinh tế và cơ quan, đoàn thể địa phương và Trung ương trên địa bàn quân khu.

c) Thanh tra quốc phòng cấp tỉnh tiến hành thanh tra đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các ban, ngành, xã, phường, thị trấn thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức kinh tế và các cơ quan đoàn thể của địa phương và Trung ương trên địa bàn tỉnh.

d) Bộ Tổng tham mưu; Tổng cục Chính trị và các tổng cục; quân chủng; Bộ đội biên phòng đang được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước chuyên ngành trên một số lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng. Khi Thanh tra Bộ Quốc phòng yêu cầu thì Thanh tra Bộ Tổng tham mưu; Tổng cục Chính trị và các tổng cục; quân chủng; Bộ đội biên phòng tiến hành thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ Quốc phòng.

2.2. Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Đối tượng là tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình hoạt động có liên quan đến pháp luật về quốc phòng của Việt Nam;

b) Chỉ có Thanh tra Bộ Quốc phòng mới được tiến hành thanh tra chấp hành pháp luật về quốc phòng của Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến pháp luật về quốc phòng Việt Nam;

c) Khi được Thanh tra Bộ Quốc phòng giao, Thanh tra Bộ đội biên phòng được tiến hành thanh tra tổ chức và cá nhân nước ngoài trong phạm vi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thuộc nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng.

3. Trách nhiệm người chỉ huy các cấp trong tổ chức và hoạt động Thanh tra quốc phòng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:

3.1. Chỉ đạo hoạt động thanh tra, chịu trách nhiệm trước người chỉ huy cấp trên về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình.

3.2. Kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh của cơ quan thanh tra cùng cấp. Bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt làm công tác thanh tra.

3.3. Căn cứ vào định hướng chương trình công tác của cơ quan thanh tra cấp trên, chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý.

3.4. Định kỳ nghe cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý báo cáo và báo cáo với cơ quan thanh tra cấp trên về hoạt động thanh tra cấp mình. Giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc về công tác thanh tra.

3.5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

3.6. Bảo đảm kinh phí, vật chất, điều kiện làm việc cho cơ quan thanh tra hoạt động theo quy định của Bộ Quốc phòng.

4. Hoạt động thanh tra ở các cơ quan, đơn vị không có cơ quan Thanh tra quốc phòng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 26/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:

4.1. Các cơ quan, đơn vị tương đương cấp trung đoàn trở lên không có cơ quan thanh tra được quy định như sau:

a) Các cơ quan và các cục trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Tổng tham mưu; Tổng cục Chính trị và các tổng cục.

b) Các cơ quan cấp cục thuộc quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, quân đoàn, binh chủng; cấp trung đoàn, Hải đoàn Bộ đội biên phòng, lữ đoàn, sư đoàn, Vùng Hải quân.

c) Các Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

d) Trường quân sự của quân đoàn, quân khu, các học viện, nhà trường thuộc tổng cục quân chủng, Bộ đội biên phòng.

[...]