Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông tư 10-BYT-DC năm 1959 giải thích Quyết định 311 năm 1959 về việc cho phép những người làm nghề tư về y tế được dự trữ một số thuốc men và đồ băng bó do Bộ Y Tế ban hành

Số hiệu 10-BYT-DC
Ngày ban hành 28/04/1959
Ngày có hiệu lực 13/05/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Phạm Ngọc Thạch
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
*******

Số: 10-BYT-DC

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1959

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH QUYẾT ĐỊNH SỐ 311 NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1959 VỀ VIỆC CHO PHÉP NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỀ TƯ VỀ Y TẾ ĐƯỢC DỰ TRỮ MỘT SỐ THUỐC MEN VÀ ĐỒ BĂNG BÓ

Kính gửi:

 Uỷ ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh,
Các Ông Giám đốc các khu, Sở Y tế,
Các Ông Trưởng ty Y tế,

Thủ tướng phủ đã ban hành điều lệ cho phép làm các nghề chữa bệnh, hộ sinh, chữa răng, bào chế thuốc và bán thuốc (Nghị định số 965-TTg ngày 11-7-1956) trong đó đã có những điều khoản nói rõ phạm vi trách nhiệm về từng nghề.

Xét ra trong thời gian qua, một số tư nhân chưa chấp hành đúng điều lệ nói trên, hơn nữa lại có những người vừa chữa bệnh vừa mua nhiều loại thuốc về bán lại cho bệnh nhân và nhân dân quá giá quy định, trong đó khá phổ biến là các y tá làm tư ở nông thôn.

Tình trạng nói trên đã gây ra tác hại:

- Nhân dân và người bệnh phải mua thuốc đắt, có khi bệnh không khỏi hoặc còn bị tai nạn.

- Gây khó khăn cho việc quản lý thị trường thuốc men.

I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH

Bộ ban hành Quyết định số 311 ngày 28 tháng 4 năm 1959 nhằm mục đích:

- Chấm dứt tình trạng làm nghề trái phép nói trên.

- Cho phép những người làm các nghề tư này được dự trữ một số thuốc và đồ băng bó với số lượng nhất định để dùng vào việc chữa bệnh và cấp cứu.

- Góp phần ổn định giá thuốc đến tận tay người tiêu thụ.

- Tạo điều kiện thêm cho việc cải tạo ngành Y, Dược tư nhân được dễ dàng.

II. NỘI DUNG

Sau đây, Bộ nói rõ thêm một số vấn đề thuộc nội dung quy định để đề nghị các Uỷ ban và Khu, Sở, Ty lưu ý khi công bố và thi hành Quyết định này:

a) Những người làm nghề tư về chữa bệnh, đỡ đẻ, chữa răng chỉ được làm trong phạm vi nghề nghiệp và khả năng của mình, khi bệnh nhân cần những thuốc gì, nếu không có trong quy định thì tuỳ theo quyền hạn mà kê đơn cho bệnh nhân đi mua ở ngoài, nhất thiết họ không được lợi dụng việc chữa bệnh để buôn bán thuốc cho bệnh nhân và không được dự trự thuốc men trái với bản quy định.

b) Trong lúc làm nghề, họ đã tính tiền thù lao với bệnh nhân nên việc cho phép họ mua dự trữ sẵn một số thuốc là để dùng vào việc chữa bệnh hoặc cấp cứu nhằm phục vụ kịp thời cho nghề nghiệp của mình cũng như đối với bệnh nhân nên các thuốc đó lúc dùng cho bệnh nhân họ cần tính tiền đúng theo giá thuốc bán lẻ của nhà nước, chứ không được lấy thêm tiền lãi vào thuốc.

c) Nội dung dự trữ thuốc men và đồ băng bó tuỳ theo phạm vi nghề nghiệp và trình độ chuyên môn mà có sự quy định khác nhau nhằm mục đích đảm bảo phục vụ tốt và kịp thời cho bệnh nhân hợp với hoàn cảnh các địa phương:

1. Các bác sĩ, y sĩ làm tư được dự trữ nhiều thuốc và đồ băng bó hơn các y tá và hộ sinh, về loại thuốc cũng như về số lượng.

2. Các y tá làm tư tại các địa phương việc mua bán thuốc tây và chữa bệnh cấp cứu được thuận tiện, các y tá làm tư không được dự trữ thuốc men và đồ băng bó là cốt để tránh những lợi dụng có thể xảy ra như trước đây.

Ở những địa phương việc mua bán thuốc tây và chữa bệnh cấp cứu chưa thuận tiện, y tá được chữa một số bệnh dễ chữa như nhức đầu, cảm sốt, đi rửa, ghẻ lở, v.v… (điều 3, chương II, điều lệ tạm thời về việc làm các nghề chữa bệnh, hộ sinh, chữa răng, bào chế thuốc và bán thuốc kèm theo Nghị định số 965-TTg ngày 11-7-1956 của Thủ tướng phủ) mới được phép dự trữ một số thuốc và đồ băng bó như đã quy định nhằm để đối phó với một số trường hợp bệnh tật cấp cứu và hợp với hoàn cảnh nông thôn.

3. Các hộ sinh làm tư chỉ được dự trữ một số thuốc và đồ băng bó dùng cho việc đỡ đẻ và cấp cứu trong khi đỡ đẻ chứ không được dự trữ thêm các thuốc khác để chữa bệnh như hiện nay một số hộ sinh vẫn làm.

d) Tất cả những thuốc men và đồ băng bó được dự trữ phải bảo quản đúng luật lệ chuyên môn như sắp xếp theo các bảng thuốc độc A, B, C, v.v… và bỏ vào tủ có khoá.

e) Những người làm các nghề tư có chuyên khoa: các bác sĩ, y sĩ chuyên khoa như: điện quang X, nhi khoa, phụ khoa, v.v… được dự trữ các thuốc và đồ băng bó thường dùng như trong bản quy định, còn các thuốc dùng riêng cho khoa mình cũng như thuốc và nguyên liệu chuyên dùng cho các nha sĩ và thợ chữa răng vì nhu cầu có nhiều chi tiết hơn nên Bộ sẽ quy định sau.

III. PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN TIẾN HÀNH

Trong việc thi hành Quyết định này những địa phương có nhiều bác sĩ, y sĩ làm tư tập trung ở thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, v.v… thì các Khu, Sở, Ty sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, còn các địa phương khác có thể uỷ quyền cho cấp huyện.

Kế hoạch tiến hành có thể chia ra làm 3 bước ngắn như sau:

[...]