Thông tư 09-TTg năm 1963 về quan hệ công tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân các cấp với các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 09-TTg
Ngày ban hành 01/02/1963
Ngày có hiệu lực 16/02/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP VỚI CÁC CƠ QUAN THUỘC HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Trong hoạt động của bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa có một nguyên tắc rất quan trọng là tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải thực hiện chức năng của mình trong khuôn khổ của pháp luật, phải tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người công dân.

Hiến pháp của nước ta đã công nhận nguyên tắc ấy và đặt ra Viện Kiểm sát nhân dân để phụ trách “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân”.

Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 15-07-1960 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan kiểm sát các cấp.

Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn ấy với mục đích “làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững”, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiều quan hệ công tác trực tiếp với các cơ quan Nhà nước từ các Bộ, cơ quan trung ương đến các cơ quan Nhà nước địa phương, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường…

Thủ tướng Chính phủ, sau khi trao đổi ý kiến với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quy định những điều sau đây về trách nhiệm của cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương.

I

Theo điều 3 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, thì Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương”.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, trong từng trường hợp nhất định, Viện Kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu các cơ quan có liên quan gửi đến cho mình các loại văn bản do các cơ quan ấy ban hành, và cần thiết cho việc kiểm sát.

Các cơ quan có liên quan có nhiệm vụ thoả mãn những yêu cầu ấy một cách nghiêm chỉnh.

II

Điều 10 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong khi làm nhiệm vụ kiểm sát của mình, có quyền xem các tài liệu, hồ sơ cần thiết, tham dự hội nghị có liên quan của cơ quan hữu quan, kiểm sát tại chỗ việc tuân theo pháp luật, hoặc yêu cầu cơ quan hữu quan tự kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong cơ quan đó. Cơ quan hữu quan có nhiệm vụ cung cấp những tài liệu cần thiết và làm theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân một cách nghiêm chỉnh”.

Theo điều khoản ấy của luật thì Viện Kiểm sát nhân dân có thể đề ra bốn loại yêu cầu cần được thỏa mãn như sau:

1. Yêu cầu cung cấp tài liệu:

Mỗi khi phát hiện những hiện tượng trái pháp luật trong một văn bản, trong một biện pháp của một cơ quan hoặc trong hành vi của một cán bộ, công nhân, viên chức, Viện Kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm hoặc có liên quan cung cấp tài liệu và giải thích các điều cần thiết.

Đối với yêu cầu ấy, cơ quan nói trên có nhiệm vụ thỏa mãn đầy đủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2. Yêu cầu tham dự hội nghị:

Mỗi khi một cơ quan mở hội nghị bàn về những việc vi phạm pháp luật do Viện Kiểm sát nhân dân phát hiện, thì phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân biết, để Viện Kiểm sát cử đại diện đến tham dự hội nghị nếu xét thấy cần thiết.

Ngoài trường hợp nói trên, các Ủy ban hành chính từ cấp huyện, thị xã trở lên, nên mời Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham dự hội nghị của Ủy ban để tranh thủ ý kiến của ngành kiểm sát trong những trường hợp sau đây:

- Ủy ban hành chính họp để thảo luận và thông qua những quyết định có tính chất pháp quy;

- Ủy ban hành chính họp để chuẩn bị hội nghị Hội đồng nhân dân.

3. Yêu cầu về việc kiểm sát tại chỗ:

Khi trực tiếp đến kiểm sát việc chấp hành pháp luật ỏ một cơ quan, đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân có thể đề ra những yêu cầu như sau:

- Xem các tài liệu, hồ sơ cần thiết;

- Tiếp chuyện riêng cán bộ, công nhân, viên chức;

- Họp toàn thể hoặc bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức;

[...]