Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 09/2009/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 09/2009/TT-BXD
Ngày ban hành 21/05/2009
Ngày có hiệu lực 14/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 09/2009/TT-BXD

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/2007/NĐ-CP NGÀY 28/5/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp,
Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 88/2007/NĐ-CP) như sau:

Điều 1. áp dụng quy chuẩn nước thải theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

Nước thải khác (không phải nước thải sinh hoạt) xả vào hệ thống thoát nước phải bảo đảm quy chuẩn nước thải xả vào hệ thống thoát nước. Trường hợp không bảo đảm quy chuẩn thì phải được xử lý sơ bộ đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thoát nước. Trong khi Bộ Xây dựng chưa ban hành quy chuẩn nước thải xả vào hệ thống thoát nước thì tạm thời áp dụng cột C tiêu chuẩn môi trường TCVN 5945:2005 nước thải công nghiệp - tiêu chuẩn thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Điều 2. Việc xác định, giao chủ đầu tư công trình thoát nước theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước đang triển khai xây dựng mà việc giao chủ đầu tư chưa phù hợp với quy định tại Điều 22 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP thì tiếp tục triển khai thực hiện đến khi hoàn thành và bàn giao cho chủ sở hữu là Uỷ ban nhân dân các đô thị hoặc thực hiện chuyển đổi chủ đầu tư ngay theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP. Việc có chuyển đổi chủ đầu tư hay không do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tùy theo tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án và điều kiện cụ thể của địa phương bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình xây dựng.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước đang hoặc đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư nhưng chưa tổ chức chọn thầu xây dựng thì phải xác định lại chủ đầu tư phù hợp với quy định tại Điều 22 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP.

3. Trong trường hợp các cam kết Quốc tế mà phía Việt Nam đã ký khác với quy định tại Điều 22 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP thì trước khi quyết định chuyển đổi chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải trao đổi, thống nhất với nhà tài trợ quốc tế. Trường hợp nhà tài trợ không đồng ý thì tiếp tục thực hiện theo cam kết Quốc tế đã ký kết đến khi hoàn thành và bàn giao cho chủ sở hữu là Uỷ ban nhân dân các đô thị.

4. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân thành phố có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc làm chủ đầu tư.

5. Các tổ chức được giao làm chủ đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng khu đô thị mới là chủ đầu tư công trình thoát nước trên địa bàn được giao quản lý. Sau khi hoàn thành dự án, các tổ chức này phải chuyển giao quyền sở hữu các công trình thoát nước này cho Uỷ ban nhân dân các đô thị.

Điều 3. Lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng theo quy định tại khoản 3, Điều 26 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước có tính chất tập trung, giải quyết một cách cơ bản các vấn đề thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải của các đô thị loại 4 trở lên, trong quá trình thẩm định, cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thẩm định dự án phải gửi văn bản và hồ sơ dự án kèm theo để lấy ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Về hợp đồng quản lý, vận hành theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

1. Uỷ ban nhân dân các đô thị có trách nhiệm chăm lo dịch vụ thoát nước cho cộng đồng và là chủ sở hữu của hệ thống thoát nước nhưng không trực tiếp thực hiện công việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mà giao cho đơn vị chuyên môn có đủ năng lực thực hiện công việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đó thông qua hợp đồng quản lý, vận hành. Uỷ ban nhân dân các đô thị chỉ quản lý theo mục tiêu, giám sát, hỗ trợ thực hiện và bảo đảm thanh toán cho nhà thầu quản lý, vận hành.

2. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước thuê tổ chức tư vấn hoặc sử dụng cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp với đơn vị thoát nước lập dự thảo hợp đồng quản lý, vận hành để làm cơ sở thương thảo giữa hai bên.

3. Nội dung cơ bản của hợp đồng quản lý, vận hành thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Tuỳ theo tính chất, đặc điểm và quy mô đô thị, tuỳ theo cấu trúc mạng thoát nước đô thị là chung hay riêng cho thoát nước mưa và nước thải, hiện tại đã có trạm xử lý nước thải tập trung hay chưa có, hợp đồng quản lý, vận hành sẽ được cân nhắc, xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Trên cơ sở hướng dẫn tại Phụ lục 1 của Thông tư này, các địa phương xây dựng hợp đồng cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình để áp dụng thực hiện.

Điều 5. Đấu nối hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước theo quy định tại Điều 41 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

1. Khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mới hoặc mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ của hệ thống hiện có, Uỷ ban nhân dân các đô thị ban hành quyết định về việc đấu nối các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước tập trung thuộc phạm vi dự án. Nội dung quyết định phải thể hiện rõ nghĩa vụ và quyền của các bên liên quan, xác định cụ thể vùng dịch vụ đấu nối và quy định khoảng thời gian đấu nối. Quyết định về đấu nối phải được thông báo cho cộng đồng dân cư thuộc phạm vi dự án biết.

2. Đơn vị thoát nước cung cấp các số liệu bằng văn bản về vị trí, cao độ và yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước.

3. Việc thi công điểm đấu nối phải do đơn vị thoát nước thực hiện hoặc do nhà thầu thực hiện dưới sự giám sát của đơn vị thoát nước. Việc thi công đấu nối phải bảo đảm đúng các quy định theo thiết kế. Sau khi đấu nối xong phải có biên bản nghiệm thu thi công đấu nối.

Điều 6. Miễn trừ đấu nối hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước theo quy định tại khoản 1, Điều 45 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

1. Hộ thoát nước nào trong phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước tập trung muốn được miễn trừ đấu nối để xả trực tiếp ra môi trường phải làm đơn gửi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương tổ chức kiểm tra chất lượng nước thải, cách thức xả, nếu bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì có văn bản chấp thuận gửi cho hộ thoát nước được miễn trừ và đơn vị thoát nước trên địa bàn.

3. Chi phí kiểm tra chất lượng nước thải do hộ thoát nước chịu.

Điều 7. Về hợp đồng dịch vụ thoát nước theo quy định tại Điều 46 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP

1. Hợp đồng dịch vụ thoát nước là văn bản được ký kết giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước, trừ các đối tượng sau:

a) Hộ gia đình sử dụng hệ thống cấp nước tập trung và chỉ xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước tập trung.

[...]