Thông tư 08-NN-TT năm 1963 quy định chế độ trang bị dụng cụ phòng hộ lao động cho cán bộ, công nhân thuộc ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 08-NN-TT
Ngày ban hành 19/10/1963
Ngày có hiệu lực 19/10/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp
Người ký Dương Quốc Chính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NÔNG NGHIỆP
*******

Số: 08-NN-TT

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 19  tháng 10 năm 1963

 

 THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRANG BỊ DỤNG CỤ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN THUỘC NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Vừa qua, việc thi hành các thông tư và quyết định của Bộ về việc trang bị dụng cụ phòng hộ lao động cho cán bộ, công nhân đã có tác dụng nhất định trong công tác bảo vệ sức khỏe, nhưng hiện nay nhiệm vụ sản xuất của xưởng cũng như các đơn vị nghiên cứu thí nghiệm khoa học khác có phức tạp hơn, do đó đòi hỏi dụng cụ trang bị phòng hộ phải phù hợp với yêu cầu sản xuất.

Căn cứ Thông tư 13-LĐ-TT ngày 29-6-1962 của Bộ Lao động quy định về nguyên tắc cấp phát sử dụng và giữ gìn dụng cụ phòng hộ.

Sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Lao động tại công văn số 1396 ngày 11-10-1963, Bộ ban hành thông tư này nhằm:

- Điều chỉnh bổ sung thêm trang bị phòng hộ cho thích hợp với điều kiện lao động hiện nay.

- Quy định trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, xí nghiệp trong việc mua sắm, cấp phát, theo dõi việc bảo quản, sử dụng của cá nhân và tập thể, làm cho dụng cụ phòng hộ mỗi ngày có tác dụng tích cực hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn lao động.

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG ĐƯỢC TRANG BỊ DỤNG CỤ PHÒNG HỘ

A. Điều kiện được trang bị phòng hộ.

Khi cán bộ, công nhân làm việc trong một hay nhiều điều kiện sau đây thì được trang bị dụng cụ phòng hộ cần thiết cho cá nhân, cho tập thể, hoặc cho mượn tùy theo tính chất công việc thường xuyên hay không thường xuyên.

1. Làm việc ở những điều kiện không bình thường như:

a) Ánh sáng chói quá có hại đến mắt, da.

b) Tiếp xúc với những vật nhọn, sắc cạnh, vật nặng, ráp có thể rách quần áo hoặc sây sát cơ thể.,

c) Tiếp xúc với vật đun nóng, nung nóng và những mảnh kim loại nóng, có thể bắn vào cháy quần áo, bỏng da thịt.

d) Làm việc trực tiếp với nguyên vật liệu có chất độc, dầu mỡ, dơ bẩn lầy lội sẽ ăn loét chân tay, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

e) Làm việc nơi  có nhiều bụi độc quá tiêu chuẩn và nóng lạnh quá mức bình thường.

g) Thường xuyên công tác lưu động làm việc ngoài trời bị ảnh hưởng mưa, gió, bão vì công việc không thể nghỉ trú ẩn được.

h) Làm việc trong điều kiện dễ bị truyền nhiễm trùng độc.

2. Làm việc trong những nơi nguy hiểm như:

a) Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36 von.

b) Làm việc trên cao, hoặc trên mặt biển lúc sóng to gió lớn.

c) Ngoài những điều kiện trên, các công việc cơ quan xí nghiệp, tuy làm không thường xuyên, nhưng khi cần phải có dụng cụ phòng hộ, thì đơn vị được mua sắm một số dự phòng cho khi cần làm những công việc đó. Thí dụ: những dụng cụ cách điện, dây và phao an toàn v.v…

B. Đối tượng được trang bị phòng hộ.

a) Cán bộ, công nhân khi làm việc ở trong một hay nhiều điều kiện nói trên, không phân biệt chính thức hay hợp đồng, tạm tuyển, trong hay ngoài biên chế và công nhân học nghề đều được trang bị phòng hộ theo quy định của từng việc (trừ những người làm khoán tự do theo lối gia công, cơ quan, xí nghiệp không trực tiếp quản lý nhân công).

b) Những cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra hướng dẫn sản xuất và cán bộ lãnh đạo cơ quan xí nghiệp, nếu tiếp xúc với công việc có một hay nhiều điều kiện nói trên cũng được trang bị phòng hộ, nhưng những dụng cụ này chỉ dùng cho tổ hay đơn vị công tác không phát cho cá nhân.

c) Những cán bộ, giáo viên hướng dẫn, sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp trong khi học tập ở nhà trường hoặc đến thực tập ở xí nghiệp nếu công việc họ làm có một hay nhiều điều kiện nói trên cũng được trang bị phòng hộ, nhưng việc trang bị này do nhà trường chịu trách nhiệm mua sắm.

1. Dụng cụ phòng hộ là tài sản của Nhà nước, nhưng tùy theo yêu cầu công việc phải làm thường xuyên hay bất thường và điều kiện, tính chất của mỗi loại công việc mà giao hẳn hoặc giao tạm thời cho cá nhân hay bộ phận sử dụng và giữ gìn chu đáo.

2. Trước khi giao dụng cụ phòng hộ cho cán bộ, công nhân phải hướng dẫn thành thạo cách sử dụng và bảo quản để tránh gây ra nguy hiểm hoặc hư hỏng bất thường.

[...]