Thông tư 08/BNV năm 1993 hướng dẫn Nghị định 48-CP 1993 về hộ chiếu và thị thực do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 08/BNV
Ngày ban hành 23/08/1993
Ngày có hiệu lực 01/09/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Minh Hương
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/BNV

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 08/BNV NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 48-CP NGÀY 8-7-1993 VỀ HỘ CHIẾU VÀ THỊ THỰC

Căn cứ Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) số 250-CP ngày 12-6-1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 48/CP ngày 8-7-1993 về hộ chiếu và thị thực;
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và thị thực, như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG CẤP HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG

Trừ những công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 48-CP ngày 8-7-1993. Các trường hợp xin xuất cảnh, xuất nhập cảnh khác (Điều 7 Nghị định 48-CP ngày 8-7-1993) được Bộ Nội vụ cấp hộ chiếu phổ thông, bao gồm:

1. Viên chức nhà nước thuộc diện quản lý nhân sự và thẩm quyền quyết định của Thủ trưởng các Bộ, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử ra nước ngoài để thực hiện các cam kết, hợp đồng ký kết về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, báo chí, khoa học công nghệ, đào tạo, lao động, chuyên gia v.v.. với các tổ chức có tư cách pháp nhân của nước ngoài hay với các tổ chức quốc tế.

2. Người trong biên chế Nhà nước và người có hợp đồng lao động thuộc diện thủ trưởng cơ quan xí nghiệp trực tiếp quản lý nhân sự và trả lương (Có tên trong danh sách lương theo Nghị định 25/CP và 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ) do Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước (nếu được thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp bộ, ngành, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền) cử ra nước ngoài để thực hiện các hợp đồng ký kết với tổ chức có tư cách pháp nhân ở nước ngoài.

3. Công nhân, viên chức của các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh và người Việt Nam làm việc trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài, tại Việt Nam do Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp, xí nghiệp, trưởng chi nhánh hoặc Trưởng văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài cử ra nước ngoài để thực hiện các công việc của xí nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện.

4. Công dân Việt Nam do các tổ chức có tư cách pháp nhân được Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập theo đúng pháp luật và được Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hoặc Bộ Giáo dục và đào tạo) cấp phép cho đưa đi lao động, học tập ở nước ngoài.

5. Người xin xuất cảnh về việc riêng, du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh, lao động tự túc, học tập tự túc do cá nhân tự liên hệ và các trường hợp xuất cảnh việc riêng khác.

6. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

II. THỦ TỤC CẤP HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG VÀ THỊ THỰC

1. Đối với người nêu tại khoản 1,2 mục I Thông tư này, hồ sơ xin cấp hộ chiếu gồm có:

- Văn bản cử ra nước ngoài của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Tổng giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước có ghi rõ họ tên, chức vụ, nơi làm việc.

- Đơn xin cấp hộ chiếu (theo mẫu của Bộ Nội vụ), kèm theo 3 ảnh (4x6cm, mới chụp, đầu để trần, mặt nhìn thẳng), trong đó một ảnh dán vào đơn, có đóng dấu giáp lai: đơn có xác nhận của cơ quan chủ quản.

- Nơi nộp hồ sơ: Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ nội vụ; thời gian trả lại hộ chiếu là 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Đối với người nêu tại khoản 3 mục I Thông tư này, hồ sơ xin cấp hộ chiếu, gồm có:

- Văn bản cử người ra nước ngoài của Tổng Giám đốc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trưởng chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam cử ra nước ngoài có ghi rõ họ tên, số chứng minh thư (hoặc hộ chiếu) nơi làm việc, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú.

- Đơn xin cấp hộ chiếu (theo mẫu của Bộ Nội vụ), kèm theo 5 ảnh (cỡ 4x6cm mới chụp, để đầu trần, mặt nhìn thẳng) trong đó có một ảnh dán vào đơn, có đóng dấu giáp lai; đơn có xác nhận của Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc trưởng chi nhánh, Văn phòng đại diện Công ty.

- Nơi nộp hồ sơ: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi người xin xuất cảnh có hộ khẩu thường trú, thời gian trả lời kết quả là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp cần thiết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thể nhận hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và giải quyết theo quy định của Bộ Nội vụ.

3. Đối với người nêu tại khoản 4 mục I Thông tư này, hồ sơ xin cấp hộ chiếu, gồm có:

- Văn bản của Bộ chủ quản, hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt hoặc cho phép tổ chức có tư cách pháp nhân đưa người ra nước ngoài lao động, học tập.

- Văn bản của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài.

- Văn bản của tổ chức có tư cách pháp nhân đối với người xin cấp hộ chiếu do tổ chức đó đưa ra nước ngoài học tập hoặc lao động.

- Đơn xin cấp hộ chiếu (theo mẫu của Bộ Nội vụ), kèm theo 5 ảnh (cỡ 4x6cm, mới chụp, đầu để trần, mặt nhìn thẳng), trong đó 1 ảnh dán vào đơn, được Trưởng Công an phường, xã nơi đăng ký nhân khẩu thường trú đóng dấu giáp lai và xác nhận.

- Nơi nhận hồ sơ:

+ Văn bản của Bộ chủ quản, UBND tỉnh, thành phố cho phép tổ chức có tư cách pháp nhân đưa người đi và ý kiến của Bộ Lao động thương binh và xã hội hoặc Bộ giáo dục và đào tạo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ đối với tổ chức có tư cách pháp nhân xin cấp hộ chiếu, thị thực lần đầu tại Bộ Nội Vụ.

[...]