Thông tư 08/2018/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư liên quan đến chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Số hiệu 08/2018/TT-BKHĐT
Ngày ban hành 27/12/2018
Ngày có hiệu lực 11/02/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2018/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 20 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 20 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài như sau:

“2. Chế độ báo cáo

Chế độ báo cáo do Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) quy định.

a) Báo cáo 6 tháng: Chậm nhất vào ngày 10 tháng 7, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.

b) Báo cáo năm: Chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm tiếp sau, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.

c) Báo cáo kết thúc dự án: Chậm nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện chương trình, dự án, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo theo mẫu Báo cáo kết thúc chương trình, dự án viện trợ PCPNN bằng văn bản, fax và thư điện tử về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư như sau:

1. Sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 2 như sau:

“d) Mẫu số 05 (Phụ lục ban hành kèm theo): Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc chương trình, dự án đầu tư;”

2. Bổ sung Điểm e Khoản 2 Điều 2 như sau:

“e) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án nhóm C quy định tại Điểm đ Khoản 8 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”

3. Bổ sung Điểm e Khoản 3 Điều 2 như sau:

“e) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án nhóm C quy định tại Điểm đ Khoản 9 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”

4. Bổ sung Điểm đ Khoản 4 Điều 2 như sau:

“đ) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án (đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) quy định tại Điểm d Khoản 10 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP” thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như sau:

1. Sửa đổi Khoản 1 Điều 23 như sau:

“1. Đối với các chương trình, dự án:

Chủ dự án có nhiệm vụ lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.

Bộ mẫu biểu báo cáo cấp chủ dự án gồm các mẫu biểu báo cáo 6 tháng, và cả năm theo Mẫu IV-GSĐG 1, báo cáo giám sát đánh giá trước khi khởi công theo Mẫu IV-GSĐG 2, báo cáo giám sát đánh giá khi điều chỉnh dự án theo Mẫu IV-GSĐG 3 và báo cáo kết thúc chương trình, dự án theo Mẫu IV-GSĐG 4 trong Phụ lục IV của Thông tư này. Ban quản lý dự án phải xây dựng và trình các báo cáo nêu trên lên chủ dự án để chủ dự án gửi các báo cáo này cho cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan và cập nhật lên hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư.

a) Báo cáo 6 tháng và cả năm:

Báo cáo 6 tháng và cả năm áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.

Trong thời hạn 10 ngày sau khi kết thúc tháng 6 hằng năm, 20 ngày sau khi kết thúc năm, chủ dự án gửi Báo cáo 6 tháng, cả năm về tình hình thực hiện chương trình, dự án theo Mẫu IV-GSĐG 1 trong Phụ lục IV của Thông tư này về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án và nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng Biểu Phụ đính GSĐG 1.1 chỉ gửi một lần trong kỳ báo cáo 6 tháng đầu tiên và chỉ phải gửi lại khi có thay đổi trong điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết. Đối với báo cáo gửi nhà tài trợ nước ngoài, ngoài bản tiếng Việt kèm theo bản tiếng Anh, trừ khi có thỏa thuận khác.

[...]