NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
08/1998/TT-NHNN7
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1998
|
THÔNG TƯ
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 08/1998/TT-NHNN7 NGÀY 30 THÁNG
9 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 173/1998/QĐ-TTG NGÀY 12/9/1998 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Ngày 12 tháng 9 năm 1998 Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/1998/QĐ-TTg về nghĩa vụ bán và quyền
mua bán ngoại tệ của Người cư trú là tổ chức; Căn cứ Điều 7 của Quyết định này,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành như sau:
I. QUI ĐỊNH
CHUNG:
1. "Nguồn
thu vãng lai" là nguồn thu của Người cư trú từ Người không cư trú về hàng
hoá, dịch vụ, thu nhập từ đầu tư trực tiếp, thu nhập từ đầu tư vào các giấy tờ
có giá, lãi vay và lãi tiền gửi nước ngoài, chuyển tiền một chiều và các giao dịch
tương tự khác.
2. "Nguồn thu từ giao dịch
vốn" là nguồn thu từ chuyển vốn vào Việt Nam, trong lĩnh vực đầu tư trực
tiếp, đầu tư vào các giấy tờ có giá, vay nước ngoài, thu hồi nợ nước ngoài, các
hình thức đầu tư khác theo quy định của Pháp luật Việt Nam làm tăng tài sản có
của Người cư trú từ Người không cư trú.
3. "Tài trợ, viện trợ nhân
đạo": trong Thông tư này là khoản tài trợ, viện trợ không hoàn lại của Người
không cư trú cho người cư trú.
4. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ
bán.
Thời điểm thực
hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ hiện có trên tài khoản tiền giử của Người cư trú là
tổ chức được thực hiện từ ngày Quyết định số 173/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày
12/9/1998).
II. ĐỐI TƯỢNG
ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng của Thông tư
này bao gồm:
1. Doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp tư nhân, công ty, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác thuộc mọi thành
phần kinh tế của Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước
ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được Chính phủ Việt Nam đảm bảo hỗ
trợ cân đối ngoại tệ, các chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài,
nhà thầu liên doanh với nước ngoài (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).
2. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực
lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại
Việt Nam (sau đây gọi là Tổ chức phi lợi nhuận).
3. "Ngân hàng được
phép" là các Ngân hàng ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động
ngoại hối (sau đây gọi chung là Ngân hàng).
III. CÁC TRƯỜNG
HỢP KHÔNG PHẢI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ:
1. Trường hợp không phải bán:
a) Các nguồn thu từ tài trợ, viện
trợ nhân đạo theo hiệp định hay thoả thuận với nước ngoài;
b) Các khoản thu của Bên nhận uỷ
thác xuất khẩu theo Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, (trong trường hợp này Bên uỷ
thác phải thực hiện nghĩa vụ bán và bên nhận uỷ thác phải bán các khoản thu từ
phí uỷ thác);
c) Các khoản thu từ tạm nhập tái
xuất theo các hợp đồng mua bán hàng hoá với nước ngoài (trường hợp này chỉ phải
bán theo quy định phần lợi nhuận thu được từ nghiệp vụ này);
d) Các khoản đặt cọc, ký quỹ, ứng
trước của Người không cư trú và các khoản thu hộ cho Người không cư trú.
đ) Các khoản thu từ giao dịch vốn.
2. Giấy tờ chứng
minh cho các trường hợp không phải bán:
a) Đối với điểm 1 (a): bản gốc
hoặc bản sao công chứng hiệp định, thoả thuận ký với nước ngoài hoặc các giấy tờ
liên quan đến tài trợ viện trợ nhân đạo.
b) Đối với điều 1 (b): bản gốc
hoặc bản sao công chứng hợp đồng xuất khẩu uỷ thác ký giữa Bên uỷ thác và Bên
nhận uỷ thác;
c) Đối với điểm 1(c): Bản gốc hoặc
bản sao công chứng hợp đồng mua bán hàng hoá ký giữa các bên và văn bản cho
phép của Bộ Thương Mại cho phép làm dịch vụ tạm nhập tái xuất.
d) Đối với điểm 1(d): Bản gốc hoặc
bản sao công chứng các hợp đồng trong đó có quy định các nội dung về ký quĩ, đặt
cọc, ứng trước.
đ) Đối với điểm 1(đ): Bản gốc hoặc
bản sao công chứng hợp đồng hay các chứng từ liên quan đến các nguồn thu từ các
giao dịch vốn.
IV. NGHĨA VỤ
BÁN NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC:
A. NGHĨA VỤ
BÁN NGOẠI TỆ TỪ CÁC NGUỒN THU VÃNG LAI MỚI PHÁT SINH KỂ TỪ NGÀY 12/09/1998:
1. Tỷ lệ bán theo qui định:
a) Tổ chức kinh tế phải bán 80%
số ngoại tệ thu được từ nguồn thu vãng lai cho ngân hàng trong thời hạn 15 (mười
lăm) ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi có vào tài khoản tiền gửi.
b) Tổ chức phi lợi nhuận phải
bán toàn bộ số ngoại tệ thu được từ nguồn thu vãng lai cho Ngân hàng trong thời
hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi có vào tài khoản
tiền gửi.
2. Thủ tục bán:
a) Khi ngoại tệ
từ nguồn thu vãng lai của Người cư trú là tổ chức được ghi có vào tài khoản tiền
gửi, Ngân hàng có trách nhiệm trích ngay số ngoại tệ phải bán theo quy định từ
nguồn thu trên sang tài khoản "quản lý và giữ hộ", đồng thời phải
thông báo ngay cho khác hàng biết số ngoại tệ phải bán để tổ chức làm thủ tục
bán ngoại tệ.
Người cư trú là tổ chức có các
nguồn thu vãng lai không phải bán qui định tại điểm 1 phần III Thông tư này gửi
cho Ngân hàng nơi mở tài khoản ngoại tệ các chứng từ theo quy định tại điểm 2
phần III để chứng minh nguồn thu không phải bán. Ngân hàng sau khi nhận được
các chứng từ xác minh nguồn thu ngoại tệ không phải bán sẽ chuyển trả lại số
ngoại tệ này vào tài khoản tiền gửi của tổ chức.
b) Trong thời hạn 15 (mười lăm)
ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi có vào tài khoản tiền gửi, mà Tổ chức
nói trên không bán ngoại tệ theo quy định cho Ngân hàng hay không có các chứng
từ chứng minh các nguồn thu không phải bán thì Ngân hàng sẽ thông báo nhắc nhở
tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc
tiếp theo.
Sau thời hạn 5 ngày kể trên, tổ
chức vẫn không thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ của mình thì Ngân hàng thực hiện
việc mua ngoại tệ đã giữ lại trên tài khoản "quản lý và giữ hộ".
c) Trong thời
hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi có vào tài khoản
tiền gửi, tổ chức có phát sinh nhu cầu chi ngoại tệ cho các giao dịch đến hạn
thanh toán thì được sử dụng số dư hiện có trên tài khoản tiền gửi để thanh
toán. Trường hợp số dư trên tài khoản tiền gửi không đủ thanh toán cho giao dịch
đó thì Ngân hàng cho phép tổ chức sử dụng số ngoại tệ trên tài khoản "quản
lý và giữ hộ" để thanh toán cho phần còn thiếu sau khi đã xuất trình đầy đủ
các giấy tờ liên quan.
d) Các tổ chức có ngoại tệ phải
bán trên tài khoản "quản lý và giữ hộ" được phép bán số ngoại tệ đó
cho các Ngân hàng khác sau khi xuất trình hợp đồng mua bán ngoại tệ đã ký.
B. NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ TỪ CÁC
NGUỒN THU VÃNG LAI TRƯỚC NGÀY QUYẾT ĐỊNH 173/1998/QĐ-TTG CÓ HIỆU LỰC
(12/09/1998) HIỆN CÓ SỐ DƯ TRÊN TÀI KHOẢN TIỀN GỬI.
1. Tỷ lệ bán theo quy định:
a) Muộn nhất là đến cuối ngày
05/10/1998, tổ chức kinh tế phải bán cho Ngân hàng 80% số ngoại tệ thu được từ
nguồn thu vãng lai trước ngày 12 tháng 9 năm 1998 còn thể hiện trên số dư tài
khoản tiền gửi.
b) Muộn nhất là đến cuối ngày
05/10/1998, Tổ chức phi lợi nhuận phải bán cho Ngân hàng toàn bộ số ngoại tệ
thu được từ nguồn thu vãng lai trước ngày 12/09/1998 còn thể hiện trên số dư
tài khoản tiền gửi.
2. Thủ tục bán:
a) Các Ngân
hàng có trách nhiệm xác định số lượng ngoại tệ từ các nguồn thu phát sinh trước
ngày 12/09/1998 (kể cả nguồn thu không phải thu vãng lai) hiện có số dư trên
tài khoản tiền gửi của tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận và chuyển ngay số
ngoại tệ đã xác định nói trên từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản "quản
lý và giữ hộ" theo tỷ lệ: 80% số ngoại tệ đã xác định đối với tổ chức kinh
tế, 100% đối với tổ chức phi lợi nhuận. Đồng thời, Ngân hàng phải thông báo
ngay cho tổ chức muộn nhất là đến cuối ngày 05/10/1998 phải thực hiện bán ngoại
tệ.
b) Đến trước ngày 05/10/1998, Tổ
chức có nguồn thu ngoại tệ không phải bán theo quy định nêu tại điểm 1 phần III
phải gửi các chứng từ và hoàn thành việc chứng minh cho các nguồn thu này theo
hướng dẫn tại điểm 2 phần III cho Ngân hàng nơi mở tài khoản.
Ngân hàng tính toán số ngoại tệ
mà tổ chức phải bán, cụ thể như sau:
- Đối với tổ chức kinh tế.
A
= (B - C) x 80%
- Đối với tổ chức phi lợi nhuận
A
= B - C
Trong đó:
A: Số ngoại tệ phải bán;
B: Số dư từ nguồn thu phát sinh
đến trước ngày 12/9/1998 hiện có trên tài khoản tiền gửi vào cuối ngày 30/09/1998;
C: Số ngoại tệ không phải bán
theo quy định.
Căn cứ số ngoại tệ phải bán (A),
Ngân hàng thực hiện đối chiếu với số ngoại tệ trên tài khoản "quản lý và
giữ hộ". Trường hợp số ngoại tệ phải bán thấp hơn số ngoại tệ trên tài khoản
"quản lý và giữ hộ", Ngân hàng thực hiện mua số ngoại tệ phải bán và
chuyển trả phần chênh lệch sang tài khoản tiền gửi của tổ chức.
c) Sau ngày 05/10/1998, Tổ chức
không thực hiện bán ngoại tệ cho Ngân hàng thì Ngân hàng sẽ mua số ngoại tệ
trên tài khoản "quản lý và giữ hộ" theo đúng nghĩa vụ qui định tại điểm
4 Quyết định 173/1998/QĐ-TTg ngày 12/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
d) Đến trước ngày 05/10/1998, Tổ
chức có phát sinh nhu cầu chi ngoại tệ cho các giao dịch đến hạn thanh toán thì
sử dụng số dư hiện có trên tài khoản tiền gửi để thanh toán. Trường hợp số dư
trên tài khoản tiền gửi không đủ thanh toán cho giao dịch đó thì Ngân hàng cho
phép tổ chức được sử dụng số ngoại tệ trên tài khoản "quản lý và giữ hộ"
để thanh toán cho phần còn thiếu sau khi đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên
quan.
đ) Các Tổ chức có ngoại tệ phải
bán trên tài khoản "quản lý và giữ hộ" được phép bán số ngoại tệ đó
cho các Ngân hàng khác sau khi xuất trình hợp đồng mua bán ngoại tệ đã ký.
V. QUYỀN MUA
NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC
1. Người cư trú khi có nhu cầu
ngoại tệ để đáp ứng cho các giao dịch vãng lai và các giao dịch được phép khác
theo quy định thì được quyền mua ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép trên cơ sở
xuất trình các giấy tờ và các chứng từ hợp lệ cho Ngân hàng.
2. Khi mua ngoại
tệ để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đến hạn của các giao dịch vãng lai hay các
giao dịch được phép khác, Người cư trú là tổ chức phải xuất trình bản gốc hoặc
bản sao công chứng các giấy tờ và các chứng từ hợp lệ sau đây cho các Ngân
hàng:
a) Đối với thanh toán nhập khẩu
hàng hoá, dịch vụ cho nước ngoài phải có Hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ với
nước ngoài; giấy phép nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ (đối với các mặt hàng
trong Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu), hay giấy phép hay hạn ngạch của Bộ
Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành (đối với nhập khẩu các mặt hàng trong
Danh mục nhập khẩu có điều kiện), quyết định thành lập, đăng ký kinh doanh, bộ
chứng từ hoàn hảo gồm thư tín dụng (nếu có), hoá đơn, vận đơn và các chứng từ
có liên quan đến nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ;
b) Thanh toán uỷ thác xuất - nhập
khẩu hàng và dịch vụ cho tổ chức nhận uỷ thác xuất - nhập khẩu phải có hợp đồng
uỷ thác xuất - nhập khẩu và các chứng từ có liên quan đến uỷ thác xuất - nhập
khẩu;
c) Hoàn trả tiền bồi thường liên
quan đến xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ phải có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá và dịch
vụ, thông báo thanh toán, giấy khiếu nại, biên bản và giấy tờ có liên quan đến
giải quyết tranh chấp, khiếu nại;
d) Chuyển tiền đặt cọc để đấu thầu
ở nước ngoài phải có hợp đồng có liên quan, các giấy tờ và chứng từ có liên
quan đến việc đấu thầu ở nước ngoài.
đ) Các khoản chi cho triển lãm,
chương trình quảng cáo, thương mại, chương trình đào tạo phải có hợp đồng có
liên quan, giấy tờ phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền, thông báo thanh toán từ
nước ngoài và các giấy tờ khác có liên quan;
e) Nộp tiền hội viên cho các tổ
chức quốc tế, các khoản phí đăng ký cho các cuộc họp quốc tế phải có giấy tờ
phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền và các giấy tờ khác có liên quan;
g) Các khoản chi phí liên quan đến
phí, chi tiêu cho việc thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện ở nước
ngoài phải có phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập văn phòng ở
nước ngoài và các giấy tờ liên quan đến việc chi các loại phí và chi tiêu của
văn phòng;
h) Các khoản chi phí liên quan đến
việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký bản quyền, ứng dụng đối với bằng phát
minh, sáng chế, các dịch vụ tư vấn phải xuất trình hợp đồng có liên quan và các
giấy tờ liên quan đến việc thanh toán cho nước ngoài khác;
i) Các khoản chi phí liên quan đến
việc cử cá nhân làm việc trong tổ chức Người cư trú ra nước ngoài công tác, học
tập, khảo sát, hội thảo... phải xuất trình các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền
cho phép ra nước và các giấy tờ có liên quan đến việc thanh toán ở nước ngoài,
các giấy tờ liên quan khác;
k) Chuyển vốn pháp định và vốn
tái đầu tư ra nước ngoài của Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có
biên bản thanh lý của cơ quan cấp giấy phép đầu tư, báo cáo hoàn thành nghĩa vụ
tài chính đối với Nhà nước Việt Nam có xác nhận của cơ quan thuế có thẩm quyền,
các giấy tờ liên quan khác;
l) Chuyển lợi nhuận ra nước
ngoài của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải có báo cáo tài chính có xác
nhận của cơ quan kiểm toán, biên bản phân chia của Hội đồng quản trị (nếu là
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là liên doanh), xác nhận cơ quan thuế có
thẩm quyền đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, báo cáo
thanh lý doanh nghiệp hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh được cơ quan cấp giấy
phép đầu tư chuẩn y (nếu nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận khi kết thúc hoặc
giải thể), các giấy tờ liên quan khác;
m) Chuyển trả vốn vay nước ngoài
phải có hợp đồng vay vốn đã được phê duyệt, các giấy tờ liên quan khác.
n) Đối với các giao dịch vãng
lai khác tuỳ theo từng trường hợp, Ngân hàng sẽ quy định cụ thể các chứng từ cần
thiết khi mua ngoại tệ.
3. Việc thực hiện mua Ngoại tệ của
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp
tác kinh doanh không được nhà nước Việt Nam đảm bảo cân đối ngoại tệ được thực
hiện theo quy định hiện hành .
4. Đối với Người cư trú là tổ chức
chịu sự điều chỉnh của Quyết định 37/1998/QĐ-TTg ngày 14/2/1998 đã bán ngoại tệ
cho Ngân hàng trước thời điểm Quyết định 173/1998/QĐ-TTg có hiệu lực thì trong
thời hạn 6 (sáu) tháng kể từ ngày bán ngoại tệ theo Quyết định 37/1998/QĐ-TTg vẫn
tiếp tục được mua lại số ngoại tệ đã bán cho Ngân hàng trước đây.
VI. MUA BÁN
NGOẠI TỆ VỚI NGÂN SÁCH;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ
phối hợp với Bộ Tài chính để qui định cụ thể về việc mở tài khoản ngoại tệ và
mua bán ngoại tệ của Ngân sách Nhà nước.
VII. TRÁCH
NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG
Các Ngân hàng khi mua - bán ngoại
tệ qui định tại Thông tư này với khách hàng phải có trách nhiệm thực hiện
nghiêm túc các quy định dưới đây:
1. Hướng dẫn, đôn đốc thông báo
cho Người cư trú là tổ chức thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho Ngân hàng; thực
hiện mua ngoại tệ theo quy định của Thông tư này.
2. Đáp ứng số
ngoại tệ cho Người cư trú là tổ chức theo quy định tại phần V của Thông tư này
phù hợp với giá trị thực tế thanh toán của khác hàng và chỉ bán ngoại tệ cho
khách hàng khi khoản thanh toán đến hạn. Riêng đối với việc bán ngoại tệ để
thanh toán cho các giao dịch vốn được thực hiện theo các qui định hiện hành.
3. Niêm yết tỷ giá mua và tỷ giá
bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc niêm yết tỷ giá coi như là một
cam kết giao dịch ngoại tệ với khách hàng.
4. Hàng ngày
phải báo cáo chính xác cho Ngân hàng nhà nước Trung ương về số ngoại tệ mua bán
trong ngày bảo đảm duy trì trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam,
thực hiện mua bán ngoại tệ với khách hàng, với Ngân hàng được phép khác và Ngân
hàng Nhà nước trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng để đáp ứng nhu cầu hợp lệ
của khách hàng và đảm bảo trạng thái ngoại hối cuối ngày trong mức quy định.
5. Phát hiện các hành vi vi phạm
của Ngân hàng hay người cư trú là tổ chức đối với các quy định tại Thông tư này
và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương biết để có biện pháp xử lý.
VIII. TRÁCH
NHIỆM CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC:
1. Thực hiện nghiêm túc việc bán
ngoại tệ theo qui định tại Thông tư này;
2. Xuất trình đầy đủ các chứng từ
theo quy định và theo yêu cầu hợp lý của Ngân hàng;
3. Kê khai trung thực theo qui định
trong Thông tư này;
4. Phát hiện các hành vi vi phạm
của Ngân hàng hay các tổ chức khác đối với các quy định tại Thông tư này và
thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương biết để có biện pháp xử lý.
Các Ngân hàng và Người cư trú là
tổ chức trên đây khi có hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này, thì tuỳ
theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật xử phạt hành chính, bị đình chỉ nghiệp vụ
kinh doanh ngoại hối hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, trường hợp vi phạm
nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
IX. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH:
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 30/09/1998. Những qui định trước đây về quản lý ngoại hối trái
với quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Chánh
văn phòng, Chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc các Ngân
hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố, tổng giám đốc ( giám đốc) các Ngân hàng thương
thương mại, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng cổ phần, Chi nhánh Ngân hàng nước
ngoài trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, triển
khai, thực hiện Thông tư này.
3. Các Bộ, ngành, cơ quan trực
thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của
mình phối hợp thực hiện Thông tư này.