Thông tư 07-TT/ĐKKD năm 1991 hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh do Trọng tài Kinh tế Nhà nước ban hành

Số hiệu 07-TT/ĐKKD
Ngày ban hành 29/07/1991
Ngày có hiệu lực 13/08/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Lê Tài
Lĩnh vực Doanh nghiệp

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TT/ĐKKD

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 07-TT/ĐKKD NGÀY 29-7-1991 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Theo quy định tại Điều 11 Luật doanh nghiệp tư nhân, điều 17 Luật công ty, sau khi được cấp giấy phép thành lập, trong thời hạn 60 ngày (đối với doanh nghiệp tư nhân), 180 ngày (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn), một năm(đối với Công ty cổ phần), chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Công ty (CT) phải đăng ký kinh doanh (ĐKKD) tại Trọng tài kinh doanh cùng cấp Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập.

Theo quy định tại Điều 5 Ban Quy định của Hội đồng Bộ trưởng cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân ban hành kèm theo Nghị định 221-HĐBT ngày 23-7-1991; Điều 5 bản quy định của Hội đồng Bộ trưởng cụ thể hoá một số điều trong Luật công ty ban hành kèm theo Nghị định 222-HĐBT ngày 23-7-1991, chạm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Trọng tài kinh tế phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (CNĐKKD) cho doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.

Để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tren, TTKT Nhà nước ban hành Thông tư này hướng dẫn Trọng tài kinh tế các cấp, các chủ doanh nghiệp tư nhân, công ty thực hiện việc đăng ký kinh doanh.

I- MỤC ĐÍCH ĐĂNG KÝ KINH DOANH

1- Đăng ký kinh doanh là để xác nhận địa vị pháp lý của DNTN, công ty trong các hoạt động kinh doanh. Khi đã được cấp giấy CNĐKKD, doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty được tiến hành các hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký; được thừa nhận về tư cách doanh nghiệp để thiết lập các quan hệ kinh tế; được bảo vệ các quyền và lợi ích theo quy định của luật.

2- Thông qua đăng ký kinh doanh Nhà nước thực hiện việc giám sát quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, công ty từ khi thành lập đến giải thể hoặc phá sản nhằm ngăn ngừa các hoạt động kinh doanh trái pháp luật cũng như để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp tư nhân, công ty và các chủ nợ hoặc con nợ của họ trong trường hợp giải thể hoặc phá sản.

3- Thông qua ĐKKD, Nhà nước nắm được các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động theo các ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh.

II- TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN ĐĂNG KÝ KINH DOANH:

Đối với các doanh nghiệp (DNTN, CT) đăng ký, kinh doanh vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Đối với Trọng tài kinh tế thực hiện việc đăng ký kinh doanh là nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật giao theo quy định tại đoạn 2 Điều 2 Pháp lệnh Trọng tài kinh tế.

Trọng tài kinh tế tỉnh nơi đặt trụ sở chính của DNTN, CôNG TY thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân, Công ty đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh mình cấp giấy phép thành lập.

Trọng tài kinh tế tỉnh nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh mình cấp giấy phép đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

III- TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH:

1- Đối với doanh nghiệp tư nhân:

Sau khi được cấp giấy phép thành lập và đã chuẩn bị đủ điều kiện để tổ chức hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân trực tiếp (hoặc uỷ quyền) đến trọng tài kinh tế có thẩm quyền (như đã nêu tại mục II) để đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh mà chủ doanh nghiệp tư nhân phải có gồm:

- Giấy phép thành lập DNTN (bản chính + 1 bản sao).

- Giấy chứng nhận của Ngân hàng nơi DNTN mở tài khoản về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng của chủ DNTN có trong tài khoản ở Ngân hàng (5 bản).

- Giấy chứng nhận của cơ quan công chứng về trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân (5 bản).

- Giấy chứng thực trụ sở của doanh nghiệp tư nhân. (Nếu là nhà riêng thì phải có giấy chứng nhận sở hữu nhà của chủ DNTN; nếu là nhà thuế thì phải có hợp đồng thuế nhà do chủ doanh nghiệp ký và có xác nhận của công chứng). Các giấy tờ này phải là bản chính.

- Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thường trưu của chủ DNTN (nếu chủ DNTN ở nông thôn thì phải có giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do công an huyện cấp).

2- Đối với Công ty: ( Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần):

Sau khi được cấp giấy phép thành lập và công ty đã tiến hành họp toàn thể thành viên hoặc đại hội đồng thành lập để thông qua Điều lệ công ty và các thủ tục cần thiết khác, công ty đến trọng tài kinh tế tỉnh (cùng tỉnh với Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập) để đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh mà Công ty phải có gồm:

- giấy phép thành lập công ty (bản chính + 1 bản sao) có kèm theo danh sách sáng lập viên.

- Điều lệ công ty đã được toàn thể thành viên hoặc Đại hội đồng thành lập thông qua (5 bản) kèm theo biên bản cuộc họp toàn thể thành viên hoặc Đại hội đồng thành lập.

[...]