Thông tư 07/2014/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 42/2010/NĐ-CP, Nghị định 39/2012/NĐ-CP và Nghị định 65/2014/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 07/2014/TT-BNV
Ngày ban hành 29/08/2014
Ngày có hiệu lực 15/10/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Thị Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 07/2014/TT-BNV

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2010/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG, NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/2012/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2010/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 65/2014/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2013

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013.

Điều 1. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

Nguyên tắc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP), Điều 2 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 65/2014/NĐ-CP) và theo các nguyên tắc sau:

1. Đối với cá nhân trong một năm chỉ đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước hoặc danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể trung ương chỉ khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc cấp tỉnh quản lý khi tiến hành phát động thi đua theo chuyên đề.

Điều 2. Hình thức tổ chức phong trào thi đua

1. Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau.

Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo khối, cụm thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các khối, cụm thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

2. Thi đua theo chuyên đề (hoặc theo đợt) là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong khoảng thời gian nhất định hoặc tổ chức thi đua để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ phát động thi đua theo chuyên đề (hoặc theo đợt) khi đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và thời gian.

a) Thi đua theo chuyên đề tổ chức trong phạm vi bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, khi tiến hành sơ kết, tổng kết, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền. Trường hợp tổ chức trong phạm vi cả nước, khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua từ 03 năm trở lên, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen; từ 05 năm trở lên lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Chủ tịch nước xét tặng "Huân chương Lao động" hạng ba hoặc "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng ba.

b) Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề có phạm vi trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi ngành và lĩnh vực thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có thời gian từ 03 năm trở lên, các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương gửi kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp và hướng dẫn xét khen thưởng.

3. Không khen thưởng cấp Nhà nước (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương) cho các tập thể hoặc cá nhân khi bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn...

Điều 3. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

Nội dung tổ chức phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và những nội dung sau:

1. Phong trào thi đua có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện; nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đề ra nội dung, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

2. Căn cứ vào nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua để xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tế và để làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng trong các kỳ sơ kết, tổng kết.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện chú trọng công tác chỉ đạo điểm, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay trong phong trào thi đua. Việc phát hiện điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua.

Điều 4. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”

1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP.

2. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số các cá nhân có 02 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trong đó có 06 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

3. Thời điểm xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là năm liền kề với năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương lần thứ hai.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ