Thông tư 06/TT-BNV(X13) năm 1995 hướng dẫn chính sách đối với người có công với cách mạng do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 06/TT-BNV(X13)
Ngày ban hành 28/09/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Tâm Long
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/TT-BNV(X13)

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 06/TT-BNV (X13) NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 1995 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Thi hành Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điềm của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm thực hiện đối với cán bộ, chiến sỹ công an được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

I. ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945

1. Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8/1945 được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 28/CP là người tham gia các tổ chức cách mạng của Đảng từ ngày 31-12-1944 trở về trước và những Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương được kết nạp hoặc kết nạp lại từ ngày 01-01-1945 đến trước ngày 19-8-1945 và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Người đứng đầu tổ chức cách mạng cấp xã (các hội cứu quốc và các tổ chức trong mặt trận Việt minh) hoặc thoát ly hoạt động cách mạng kể từ ngày 01-01-1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 (theo Điều 8 Nghị định số 28/CP) thì được hưởng phụ cấp "tiền khởi nghĩa".

2. Về thủ tục hồ sơ:

a) Đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8-1945 theo Điều 6 của Nghị định số 28/CP:

- Việc lập hồ sơ người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8-1945 vẫn thực hiện theo hướng dẫn trước đây của Ban Tổ chức Trung ương.

Đối với các đồng chí đang công tác đã được cấp có thẩm quyền công nhận và đang hưởng chế độ ưu đãi cán bộ hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8-1945 thì đơn vị, địa phương (nơi các đồng chí đó công tác) có trách nhiệm điều chỉnh từ trước từ mức trợ cấp, phụ cấp sang mức trợ cấp, phụ cấp mới (theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 28/CP) và truy trả phần chênh lệch từ 01-01-1995 đến trước tháng điều chỉnh (đối với cán bộ đã nghỉ hưởng chế độ hưu thì do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh và truy trả).

Các trường hợp này mới đề nghị công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8-1945 thì thủ tục hồ sơ thực hiện như nói ở điểm b (tiền khởi nghĩa) dưới đây.

b) Đối với cán bộ hoạt động cách mạng từ 01-01-1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 theo Điều 8 - Nghị định số 28/CP.

+ Đối với cán bộ đang công tác trong lực lượng CAND:

- Bản khai cá nhân: cơ quan quản lý cán bộ căn cứ lý lịch của cán bộ (theo quy định tại Điểu 1, Điều 9 - Nghị định số 28/CP) xác nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng của từng người.

- Giấy xác nhận người hoạt động cách mạng từ 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa: tỉnh uỷ, thành uỷ (nếu công tác tại địa phương) hoặc đảng uỷ Công an Trung ương (nếu công tác ở cơ quan Bộ) cấp.

- Quyết định phụ cấp "Tiền khởi nghĩa": Các đơn vị, địa phương (nơi cán bộ đang công tác) có trách nhiệm lập danh sách (kèm theo bản khai cá nhân và giấy xác nhận) gửi về Bộ (qua Tổng cục III) để trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký quyết định.

- Phiếu lập sổ phụ cấp "Tiền khởi nghĩa": Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố.

+ Đối với cán bộ Công an đã nghỉ hưu: Thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi cán bộ công tác trước khi nghỉ hưu có trách nhiệm (căn cứ lý lịch của cán bộ đó) xác nhận thời gian hoạt động cách mạng của từng người để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định hưởng phụ cấp ưu đãi.

II. ĐỐI VỚI LIỆT SỸ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SỸ

1. Đơn vị, địa phương có cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh có trách nhiệm:

- Tổ chức chu đáo lễ tang (theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BNV), lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ (theo hướng dẫn tại điểm 2 dưới đây) chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sỹ cư trú để hoàn chỉnh thủ tục trình cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" và ra quyết định cấp "Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ", đồng gửi về Bộ (qua Tổng cục III) một bộ để tổng hợp theo dõi.

- Phối hợp với Công an (nơi gia đình liệt sỹ cư trú) và các ngành chức năng ở địa phương tổ chức lễ báo tử tại gia đình liệt sỹ.

2. Về hồ sơ liệt sỹ và gia đình liệt sỹ:

- Giấy báo tử: do lãnh đạo các Vụ, Viện, Trưởng... Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cán bộ, công nhân viên công an công tác trước khi hy sinh ký.

- Tình hình thân nhân trong gia đình liệt sỹ theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Quyết định trợ cấp, phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp vẫn thực hiện theo phân cấp hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngoài hồ sơ trên đây tuỳ theo trường hợp hy sinh của liệt sỹ mà có các giấy tờ khác như:

Biên bản xảy ra sự việc: Đối với trường hợp cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên công an hy sinh vì công việc nguy cấp, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc hy sinh vì chống tội phạm. Do đơn vị, địa phương quản lý cán bộ chiến sỹ, công nhân viên đó lập.

[...]