Thông tư 06-LĐTT năm 1958 hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nhân do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 06-LĐTT
Ngày ban hành 07/04/1958
Ngày có hiệu lực 22/04/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-LĐTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CHO CÔNG NHÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Ông Chủ tịch U.B.H.C khu, thành phố và tỉnh.
- Các Ông Giám đốc khu, Sở Lao động.
- Các Ông Trưởng ty các tỉnh.
- Các vị Bộ trưởng các Bộ và các vị thủ trưởng các ngành sử dụng công nhân

 

Theo điều 14 Nghị định số 182-TTg ngày 07-04-1958 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 23-LĐ-NĐ ngày 07-04-1958 của Bộ Lao động.

Thông tư này nhằm mục đích giải thích, hướng dẫn việc lập tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân trong ngành.

I.TÌNH HÌNH THI HÀNH BẢN TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA CÔNG NHÂN VỪA QUA

Bản tiêu chuẩn kỹ thuật chung Bộ Lao động ban hành năm 1955 hiện đang áp dụng tuy đã được bổ sung và tiến bộ hơn trước, nhưng về căn bản là xây dựng trên cơ sở sản xuất trong thời kỳ kháng chiến.

Tiêu chuẩn kỹ thuật chưa phản ảnh được đầy đủ trình độ kỹ thuật sản xuất và nghề nghiệp của công nhân theo yêu cầu và đặc điểm sản xuất của từng ngành.

Nội dung tiêu chuẩn xây dựng chưa được rõ ràng cụ thể, chưa phân biệt phần “hiểu biết” và phần “làm được”, nên việc vận dụng tiêu chuẩn để xếp bậc cho công nhân mỗi nơi quan niệm một khác.

Quan hệ cấp bậc lương và tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân giữa ngành nghề này với nghề khác, ngành này với ngành khác chưa hợp lý.

Vì vậy việc sắp xếp cấp bậc có hiện tượng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi bậc, bậc bình quân chung thấp, số người ở các bậc cao ít; đảm bảo mức lương bình quân thì phải xếp vượt tiêu chuẩn hay ngược lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì không đạt được mức lương bình quân; làm cho quan hệ giữa tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp bậc trong thang lương và dự kiến mức lương bình quân không ăn khớp.

Một số nghề nghiệp khác như công nghệ nhẹ thổ mộc v.v… trình độ kỹ thuật và tính chất sản xuất giản đơn, việc xây dựng tiêu chuẩn cũng bị lệ thuộc vào tiêu chuẩn của công nhân có khi dàn ra nhiều bậc không thích hợp.

Vì vậy, bản tiêu chuẩn cũ không còn thích hợp và không thể áp dụng chung cho các ngành trong tình hình sản xuất hiện nay.

Ngoài ra các ngành chưa có kế hoạch và chương trình bổ túc về nghề nghiệp cho công nhân, đảm bảo tiêu chuẩn của bậc được xếp, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân để đáp ứng yêu cầu về trình độ kỹ thuật sản xuất mỗi ngày càng tiến bộ hơn.

Căn cứ vào đặc điểm và tính chất sản xuất hiện nay nói chung và riêng trong từng ngành; theo yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật sản xuất mới và trình độ nghề nghiệp của công nhân; để tiến hành sắp xếp cấp bậc cho công nhân hưởng theo chế độ tiền lương năm 1958. Bộ Lao động đã cùng các ngành sửa đổi, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật một số nghề nghiệp công nhân cơ khí làm cốt có tính chất tiêu biểu về trình độ sản xuất hiện nay để hướng dẫn chung các ngành xây dựng và sửa đổi lại bản tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân trên cơ sở đặc điểm, tính chất và yêu cầu sản xuất của từng ngành cho thích hợp.

II.QUAN NIỆM, NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CHO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT CƠ KHÍ

A. – QUAN NIỆM XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT:

1. Chế độ cấp bậc lương gồm 3 nhân tố cơ bản: mức lương, bảng số cấp bậc lương, tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn kỹ thuật là một trong ba nhân tố cơ bản của chế độ cấp bậc lương. Tiêu chuẩn kỹ thuật xác định cấp bậc việc làm, đồng thời xác định cấp bậc lương cho công nhân theo trình độ thành thạo về nghề nghiệp và sự cống hiến của mỗi người trên nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa “trả lương theo lao động”. Do đó tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật có quan hệ mật thiết đến biểu cấp bậc lương.

2. Muốn xác định được bậc công tác và trình độ thành thạo của công nhân phải thông qua tiêu chuẩn kỹ thuật. Đối với công nhân, tiêu chuẩn kỹ thuật là cái thước đo, nó phải phản ảnh được đầy đủ về kiến thức (hiểu biết) và kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời nó xác định được trình độ tinh vi chính xác và phức tạp của mỗi nghề. Đối với sản xuất tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành nào phải thể hiện được đầy đủ đặc điểm, tính chất và yêu cầu về trình độ kỹ thuật sản xuất thực tế của ngành đó (bao gồm tổ chức và thiết bị sản xuất) chú ý những nghề nghiệp đi vào sản xuất giây chuyền phải có tiêu chuẩn riêng.

3. Tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi nghề nhiều hay ít bậc phải căn cứ vào trình độ kỹ thuật, của nghề nghiệp đó cao hay thấp tinh vi phức tạp nhiều hay ít mà xây dựng từ thấp đến cao,  từ dễ đến khó, từ giản đơn đến phức tạp chính xác, nghĩa là từ người thợ mới bước vào sản xuất (trừ học việc và phụ việc) đến người thợ giỏi nhất. Tiêu chuẩn kỹ thuật phải quy định cụ thể và rõ ràng về nội dung (hiểu biết và làm được) làm cho công nhân dễ lĩnh hội tránh tình trạng quy định chung chung rất khó cho việc vận dụng sắp xếp và khảo sát trình độ nghề nghiệp của công nhân. Tiêu chuẩn kỹ thuật giữa bậc trên và bậc dưới phải có sự phân biệt rõ rệt trình độ  hiểu biết về kỹ thuật và thực hành để đãi ngộ theo đúng khả năng lao động. Do đó tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân có khi không phải nghề nào cũng 8 bậc, có nghề thì 8 bậc, có nghề ít hơn, nhưng tối đa không quá 8 bậc.

Trong tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân không nên đặt tiêu chuẩn lãnh đạo hoặc công việc thuộc phạm vi cán bộ kỹ thuật phụ trách, không đặt tuổi nghề và trình độ văn hóa. Ngoài ra cần chú ý không căn cứ vào điều kiện lao động của một số nghề để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng khi đặt quan hệ cấp bậc lương giữa các nghề thì ngoài yếu tố về trình độ kỹ thuật và yêu cầu sản xuất phải chú ý đến điều kiện lao động. Vì vậy cấp bậc lương khởi điểm của từng nghề có thể không giống nhau, có nghề bậc 2 (thợ nguội, thợ điện) có nghề bậc 3 (thợ rèn, thợ phay) hoặc bậc 4 (thợ mộc mẫu). Chú ý: những người chưa đủ trình độ là thợ chính như  những người vừa sản xuất vừa học nghề, người thợ phụ (phụ thợ rèn, nguội, v.v…) thì không xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, tùy theo yêu cầu sử dụng của mỗi ngành mà quy định nội dung công việc để sắp xếp hưởng theo các mức lương bậc khởi điểm của từng nghề.

4. Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất luôn luôn biến đổi và tiến bộ, trình độ kỹ thuật của công nhân thường tiến chậm hơn, tiêu chuẩn kỹ thuật không thể cố định mãi, mà phải tùy theo sự phát triển về trình độ kỹ thuật sản xuất, trình độ tổ chức và trang bị máy móc mới mà thay đổi cho thích hợp làm cho tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng  thời gian nhất định có tác dụng thúc đẩy kỹ thuật sản xuất và nâng cao không ngừng trình độ tinh thông nghề nghiệp, phát triển rộng rãi kiến thức của công nhân.

Với hoàn cảnh nước ta, nói chung trình độ văn hóa của công nhân còn thấp, về lý thuyết còn kém nhưng đa  số thực hành giỏi phần đông do kinh nghiệm lâu năm trong nghề mà có chứ không phải được đào tạo trong các trường chuyên nghiệp; nhưng không vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật (cả về hiểu biết và thực hành) mà vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của từng bậc theo yêu cầu về kỹ thuật sản xuất. Trong khi xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nếu chỉ trên cơ sở trình độ nghề nghiệp cũ của công nhân  thì tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị lạc hậu, không có tác dụng thúc đẩy trình độ nghề nghiệp của công nhân và không phục vụ kịp thời cho yêu cầu về kỹ thuật mới; ngược lại nếu chỉ dựa trên yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật sản xuất mới thì tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ thoát ly thực tế trình độ nghề nghiệp của công nhân, một số bậc cao nhất sẽ bị treo không ai đặt tới. Do đó xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật phải phối hợp cả hai mặt: dựa vào trình độ nghề nghiệp của công nhân trong thực tế sản xuất hiện nay và căn cứ vào yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật sản xuất mới (nhưng không đòi hỏi quá xa) mà xây dựng. Cho nên tiêu chuẩn kỹ thuật sau khi được sửa đổi sẽ tiến bộ hơn (nâng cao một bước trình độ nghề nghiệp và kỹ thuật sản xuất) đòi hỏi mỗi người công nhân phải cố gắng trau dồi nghề nghiệp để bảo đảm tiêu chuẩn của mình được xếp và về phía xí nghiệp các ngành sử dụng sau khi ban hành bảng tiêu chuẩn kỹ thuật thì đồng thời phải có chương trình và kế hoạch bổ túc nghề nghiệp cho công nhân.

Tiêu chuẩn kỹ thuật của từng ngành sau khi ban hành phải được kiểm tra trong thực tế mà bổ sung sửa đổi cho thích hợp. Khi đã sắp xếp cho công nhân theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật mới, phải quy định thời gian bổ túc nghề nghiệp  cho công nhân qua thời gian  đó sẽ tiến hành khảo thi để xác định cấp bậc của từng người nhằm đãi ngộ cho công bằng hợp lý hơn. Trường hợp nào không làm sát hạch được thì phải dựa vào công việc làm thực tế để điều chỉnh lại cho thích hợp (trường hợp này không được tốt và chính xác bằng sát hạch).

B. – NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT:

Xuất phát từ quan niệm xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật như trên nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật phải căn cứ vào 2 yếu tố sau đây:

[...]