BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2023/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 3 năm 2023
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BAN
HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 15/2020/TT-BGDĐT NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 2020 ĐƯỢC SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG BỞI THÔNG TƯ SỐ 05/2021/TT-BGDĐT NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật giáo dục
đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi
bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông
ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT
ngày 26 tháng 5 năm 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông
tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư
số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư
số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 6 như sau:
“c) Các ủy viên là lãnh đạo một số đơn vị liên quan
thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế và
Thanh tra Chính phủ.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 10 như sau:
“3. Tại mỗi khu vực in sao đề thi, coi thi, làm
phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí 01 (một)
điện thoại cố định có loa ngoài (riêng với khu vực in sao đề thi và làm phách
bài thi tự luận, điện thoại này phải có thêm chức năng ghi âm) đặt tại phòng
làm việc chung/phòng trực bảo đảm an ninh, an toàn (riêng ở Điểm thi, nếu không
thể bố trí được điện thoại cố định vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch Hội đồng
thi quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có
thẻ nhớ, không có chức năng kết nối mạng internet và được niêm phong khi không
sử dụng). Chỉ sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại để liên lạc với Hội đồng
thi, Ban Chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa
ngoài để nghe công khai, đều phải ghi nhật ký và phải có sự chứng kiến của ủy
viên làm nhiệm vụ giám sát quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18
(đối với khu vực in sao đề thi) hoặc Phó trưởng Điểm thi phụ trách cơ sở vật chất
(đối với khu vực coi thi) hoặc công an (đối với khu vực làm phách bài thi tự luận)
hoặc thư ký Hội đồng thi (đối với khu vực chấm thi, phúc khảo). Riêng với Điểm
thi, bố trí 01 (một) máy tính tại phòng trực của Điểm thi và bảo đảm máy tính
chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho Hội đồng thi, phải ghi
nhật ký sử dụng máy tính, có sự chứng kiến của Phó trưởng Điểm thi phụ trách cơ
sở vật chất.
4. Không được sử dụng các thiết bị thu phát thông
tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi, trừ các thiết
bị quy định tại khoản 3 Điều này. Tại mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo,
Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ thiết bị thu, phát thông tin của
những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong
dưới sự chứng kiến của công an và phải được bảo quản tại địa điểm an toàn trong
suốt thời gian của mỗi buổi làm việc.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 13 như sau:
“a) Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều
12 Quy chế này ĐKDT trực tuyến hoặc ĐKDT trực tiếp tại trường phổ thông nơi học
lớp 12;”
4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 13 như sau:
“a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1
Điều 12 Quy chế này, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản chính hoặc bản
sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao
kèm bản gốc để đối chiếu (gọi chung là bản sao) học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp
THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu
trưởng trường phổ thông cấp; các loại chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu
tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 02 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký
dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ
không quá 06 tháng;”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 13 như sau:
“c) Hiệu trưởng trường phổ
thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh ĐKDT;
rà soát, cập nhật thông tin thí sinh ĐKDT đối với đối tượng quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 12 Quy chế này; nhập thông tin thí sinh ĐKDT đối với đối tượng quy
định tại điểm b, c khoản 1 Điều 12 Quy chế này; tổ chức xét duyệt hồ sơ ĐKDT và
thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi quy định tại khoản
2 Điều 12 Quy chế này chậm nhất trước ngày thi 15 ngày; thu Phiếu ĐKDT; quản lý
hồ sơ ĐKDT và chuyển hồ sơ, dữ liệu ĐKDT cho sở GDĐT;”
6. Sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 4 Điều 14 như sau:
“m) Chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì,
compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo
văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí;”
7. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 2 Điều 17 như
sau:
“c) Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học
- kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; trong đó, ủy
viên thường trực là công chức thuộc Cục QLCL;
d) Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là
công chức, viên chức ngành Giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu,
giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một
Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi;”
8. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 18 như sau:
“a) Thành phần Ban In sao đề
thi gồm: Trưởng ban do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm; Phó Trưởng ban là lãnh
đạo sở GDĐT hoặc lãnh đạo phòng thuộc sở GDĐT; thư ký và ủy viên (trong đó có
01 ủy viên làm nhiệm vụ giám sát) là công chức, viên chức thuộc sở GDĐT hoặc
trường phổ thông; lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn công tác in sao đề thi do
Công an tỉnh và sở GDĐT điều động;”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 như sau:
“1. Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các
tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được
khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng Điểm thi, thư
ký Điểm thi và công an), chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải
có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian
mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.”
10. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 20 như sau:
“a) Thành phần: Trưởng Điểm thi là lãnh đạo trường
phổ thông; một Phó Trưởng Điểm thi là lãnh đạo hoặc Tổ trưởng chuyên môn của cơ
sở giáo dục nơi đặt Điểm thi phụ trách cơ sở vật chất; các Phó Trưởng Điểm thi
là lãnh đạo hoặc Tổ trưởng chuyên môn đến từ trường phổ thông khác; Thư ký Điểm
thi là Thư ký Hội đồng thi hoặc giáo viên trường phổ thông; CBCT là giáo viên
trường phổ thông hoặc trường THCS trên địa bàn tỉnh; cán bộ giám sát phòng thi
là giáo viên trường phổ thông; trật tự viên, nhân viên phục vụ là nhân viên của
trường nơi đặt Điểm thi; nhân viên y tế, công an (hoặc kiểm soát viên quân sự
trong trường hợp đặc biệt);”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 như sau:
“2. Trong ngày làm thủ tục dự thi, Trưởng Điểm thi
phân công các thành viên tại Điểm thi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi, phổ
biến Quy chế thi; xác nhận nhũng sai sót về thông tin của thí sinh trong Phiếu
đăng ký dự thi và chuyển những thông tin này cho Ban Thư ký Hội đồng thi xem
xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi.”
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24 như sau:
“2. Phòng chứa bài thi, tủ,
thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được
khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa
khóa, lãnh đạo Ban Chấm thi và công an. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do
lãnh đạo các Ban Chấm thi giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa
túi bài thi tự luận do thư ký Hội đồng thi làm nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận
giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi trắc nghiệm do
Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chấm thi trắc nghiệm giữ. Phòng
chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận, nơi
thực hiện nhiệm vụ của Ban Thư ký Hội đồng thi và Tổ Thư ký Ban Chấm thi tại
khu vực chấm thi phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh
giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo
vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm
bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của
lãnh đạo Ban Chấm thi, công an và ghi nhật ký đầy đủ.”
13. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu
khoản 3 Điều 25 như sau:
“3. Phương thức làm phách: Chủ tịch Hội đồng thi
quyết định phương thức làm phách, số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm máy
tính, bảo đảm mỗi bài thi (số báo danh) tương ứng với duy nhất 01 (một) số
phách. Việc gieo phách chỉ được thực hiện trong khu vực cách ly dưới sự chứng
kiến của người làm nhiệm vụ giám sát do Giám đốc Sở GDĐT điều động.”
14. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 25 như sau:
“a) Chủ tịch Hội đồng thi quyết định việc bàn giao
bài thi một lần hoặc theo tiến độ chấm thi. Trưởng ban Làm phách bàn giao bài
thi đã làm phách cho Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi theo chỉ đạo bằng văn bản của
Chủ tịch Hội đồng thi;”
15. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 27 như sau:
“b) Tổ nhập điểm thực hiện nhập điểm bài thi tự luận
theo hai vòng độc lập, mỗi vòng do một nhóm khác nhau thực hiện trên phần mềm Hỗ
trợ chấm thi. Khi nhập điểm, phải có ít nhất 03 người tham gia: 01 người đọc,
01 người nhập vào phần mềm và 01 người giám sát, kiểm tra.”
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 như sau:
“1. Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, Chủ tịch
Hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ
GDĐT (qua Cục QLCL) để lưu trữ và đối chiếu. Dữ liệu kết quả thi phải lưu vào
02 đĩa CD giống nhau, được niêm phong và lập biên bản niêm phong dưới sự chứng
kiến của công an; 01 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 đĩa bàn
giao cho Bộ GDDT (qua Cục QLCL). ”
17. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu
khoản 4 Điều 33 như sau:
“4. Chấm phúc khảo bài thi tự luận: Mỗi bài thi tự
luận do hai CBChT chấm phúc khảo theo quy định tại Điều 27 Quy chế này và phải
được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm
của thí sinh. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải
có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Kết quả
chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý như sau:”
18. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 39 như sau:
“d) Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt
Nam có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc
biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135
theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998
của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình
135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã
khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn
các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học
cấp THPT;”
19. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 39 như sau:
“a) Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong
thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,
xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính
phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã
đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và
xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy
ban dân tộc, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc học tại các trường
phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung
ương;”
Điều 2. Bãi bỏ điểm n, khoản 4 Điều 14 của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ
thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày
26 tháng 5 năm 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày
12 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09
tháng 5 năm 2023.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng,
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; Cục trưởng Cục nhà trường -
Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Đào tạo - Bộ Công an; Giám đốc các Sở Giáo dục và
Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học; Hiệu
trưởng trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non chịu trách nhiệm thi
hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Hội đồng QGGD và PTNL;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- Bộ trưởng;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc CP;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Như Điều 3;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục QLCL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|