Thông tư 06/2019/TT-BGTVT quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 06/2019/TT-BGTVT
Ngày ban hành 31/01/2019
Ngày có hiệu lực 01/04/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Ngọc Đông
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2019/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU KẾT QUẢ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 26 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì đối với hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

2. Thông tư này không áp dụng đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến việc thực hiện công tác bảo trì, giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu tầng trên đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Ray, tà vẹt, liên kết ray với tà vẹt, liên kết ray với ray, ghi (bao gồm cả phụ kiện liên kết ghi), đá ballast.

2. Nền đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Nền đường sắt chính tuyến, nền đường sắt trong ga, nền đường sắt trong khu Depot, bãi hàng; rãnh biên, rãnh đỉnh, rãnh thoát nước nền đường, rãnh xương cá, rãnh thoát nước ngầm.

3. Công trình phòng hộ nền đường sắt là hạng mục của nền đường sắt bao gồm: Tường chắn, kè, gia cố taluy, con trạch ngăn nước đỉnh taluy nền đào.

4. Cầu đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Dầm cầu, mặt cầu, gối cầu, khe co giãn, mố cầu, trụ cầu, tứ nón, tường cánh, công trình phòng hộ cầu.

5. Mặt cầu là hạng mục công trình của cầu bao gồm toàn bộ hoặc một số bộ phận tùy thuộc loại cầu gồm: ray (bao gồm ray hộ bánh, tà vẹt, đá ballast), liên kết ray với tà vẹt, liên kết ray với ray, kết cấu giữ cự ly, chống xô tà vẹt mặt cầu, liên kết tà vẹt mặt cầu với dầm cầu (đối với cầu có mặt cầu trần), hệ thống thoát nước mặt cầu, ván tuần cầu.

6. Công trình phòng hộ cầu hạng mục của cầu, gồm toàn bộ hoặc một số bộ phận tùy thuộc loại cầu bao gồm: Công trình chống xói, công trình chống va trôi, kè hướng dòng.

7. Cống thoát nước qua đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Thân cống, cửa cống, sân cống, các công trình tiêu năng.

8. Hầm chui qua đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Thân hầm, cửa hầm, đường bộ trong hầm và hai đầu hầm.

9. Hầm đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Cửa hầm, tường cánh, áo vỏ hầm, hang tránh, chiếu sáng, thông gió, biển báo, rãnh thoát nước trong hầm, rãnh đỉnh.

10. Công trình đường ngang là hạng mục của công trình đường sắt và đường bộ bao gồm: Đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang; hệ thống phòng vệ đường bộ gồm: Đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang; hệ thống phòng vệ đường ngang, hệ thống giám sát đường ngang. Tùy thuộc loại hình phòng vệ đường ngang, công trình đường ngang còn bao gồm một số hoặc toàn bộ các hạng mục sau: Nhà gác đường ngang, hệ thống chiếu sáng tại đường ngang, cọc tiêu, hàng rào cố định, biển báo, hệ thống thông tin tín hiệu đường ngang; đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu đường bộ tại đường ngang trên đường sắt đến hộp kết nối hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ.

11. Công trình kiến trúc tại khu ga là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Nhà ga, phòng đợi tàu, ke ga, mái che ke, giao ke, phòng chỉ huy chạy tàu, phòng đặt thiết bị thông tin tín hiệu, kho ga, bãi hàng, đường bộ trong ga, nhà làm việc của cơ quan nhà nước tại khu vực ga (nếu có), chòi gác ghi.

[...]