Thông tư 06/2015/TT-TTCP quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ

Số hiệu 06/2015/TT-TTCP
Ngày ban hành 21/10/2015
Ngày có hiệu lực 08/12/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2015/TT-TTCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, PHÁP ĐIỂN, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT; THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.

2. Việc rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ có nội dung thuộc bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định từ khoản 1 đến khoản 19 Điều 3 Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị); các tổ chức, cá nhân có liên quan về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.

Điều 3. Gửi và tiếp nhận văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra

Các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 13; khoản 1 và khoản 2 Điều 21 Thông tư này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo (đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thanh tra Chính phủ) hoặc cơ quan ban hành văn bản (đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm gửi Thanh tra Chính phủ 01 bản (qua Vụ Pháp chế) để tổ chức kiểm tra.

Điều 4. Cộng tác viên rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

1. Cộng tác viên rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết về một hoặc các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;

b) Có kinh nghiệm về công tác xây dựng và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật;

c) Có thâm niên công tác thuộc lĩnh vực đang đảm nhiệm từ 03 năm trở lên.

2. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cộng tác viên có thể được lựa chọn ở các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức khác. Vụ Pháp chế lập danh sách cộng tác viên trên cơ sở đề xuất của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trình Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.

Điều 5. Cơ sở dữ liệu phục vụ rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật

Vụ Pháp chế có trách nhiệm xây dựng, quản lý, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu làm cơ sở pháp lý phục vụ cho việc rà soát, hệ thống hóa pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Chương II

RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, PHÁP ĐIỂN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

[...]