BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
*******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số:
06/2007/TT-BKH
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 140/2006/NĐ-CP NGÀY 22
THÁNG 11 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC KHÂU
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH,
CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy
định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức
thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
140/2006/NĐ-CP như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
Thông tư này hướng dẫn chi tiết
thực hiện một số nội dung được quy định tại Điều 1, Điều 6, Điều 7 và những nội dung khác có
liên quan của Nghị định số 140/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc bảo vệ
môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển (sau đây gọi tắt là Nghị định),
bao gồm:
a) Quy định về các loại chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định;
b) Quy định về nội dung bảo vệ
môi trường trong giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát
triển;
c) Quy định về nội dung bảo vệ
môi trường trong giai đoạn thẩm định và phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
và dự án phát triển;
d) Kinh phí lập và thẩm định báo
cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
II. QUY ĐỊNH
VỀ CÁC LOẠI CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN PHÁT TRIỂN THUỘC PHẠM VI ĐIỀU
CHỈNH CỦA NGHỊ ĐỊNH
1. Các loại chiến lược phát triển
tại Điều 1 Khoản 2 của Nghị định được quy định cụ thể như
sau:
1.1. Chiến lược phát triển kinh
tế – xã hội của cả nước (thường là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo);
1.2. Chiến lược phát triển các
ngành, lĩnh vực của cả nước (bao gồm cả các phân ngành của ngành và lĩnh vực
đó), cụ thể như sau: công nghiệp; nông, lâm nghiệp; thủy sản, thương mại; du lịch;
bưu chính viễn thông; giao thông vận tải; thủy lợi; xây dựng (cấp thoát nước,
phát triển đô thị); y tế; giáo dục, đào tạo; thể dục, thể thao; khoa học và
công nghệ; tài nguyên (bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên
khoáng sản); quốc phòng, an ninh;
1.3. Chiến lược phát triển kinh
tế – xã hội các vùng kinh tế – xã hội và các lãnh thổ đặc biệt (vùng kinh tế trọng
điểm; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của cả nước,
hành lang kinh tế, vành đai kinh tế).
2. Các loại quy hoạch phát triển
quy định tại Điều 1 Khoản 3 của Nghị định bao gồm:
2.1. Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế – xã hội:
a) Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế – xã hội, các lãnh thổ đặc biệt (vùng
kinh tế trọng điểm; khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao của cả nước; hành lang kinh tế, vành đai kinh tế);
b) Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Quy hoạch phát triển ngành,
lĩnh vực, bao gồm:
a) Quy hoạch quốc gia các ngành,
lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: mạng lưới quốc lộ (bao gồm hệ thống
đường cao tốc, đường quốc lộ); đường sắt; hệ thống sân bay; hệ thống cảng biển;
hệ thống cảng sông; hệ thống các công trình ngầm; hệ thống các công trình xử lý
chất thải (bao gồm cả chất thải nguy hại); hệ thống thủy lợi; hệ thống cảng cá,
bến cá, chợ cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền;
b) Quy hoạch quốc gia các ngành,
lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội: mạng lưới các trường đại học; mạng lưới bệnh
viện; hệ thống cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe; thể dục thể thao;
c) Quy hoạch quốc gia một số
ngành, lĩnh vực sản xuất khác, bao gồm: sản xuất điện, giấy, xi măng, thép, kim
loại màu, thuốc lá, rượu-bia-nước giải khát; thăm dò, khai thác và sử dụng tổng
hợp tài nguyên nước; thăm dò khai thác và chế biến nguyên liệu sản xuất phân
bón, đá vôi làm xi măng, than, dầu khí, quặng sắt, bô xít, kim loại quý hiếm;
đóng và sửa chữa tàu thuyền; sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện
tử và công nghệ thông tin, sản phẩm cơ khí chế tạo và động cơ, sản phẩm hóa chất,
sản phẩm nông nghiệp xất khấu; sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy; phát triển
nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản;
d) Quy hoạch xây dựng vùng, quy
hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân
cư nông thôn; quy hoạch chuyên ngành khác phục vụ cho đô thị (quy hoạch cấp,
thoát nước; quy hoạch vệ sinh môi trường).
đ) Quy hoạch sử dụng đất các
vùng kinh tế – xã hội;
e) Quy hoạch bảo vệ và phát triển
rừng (rừng sản xuất, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ) cấp liên vùng, liên tỉnh;
g) Quy hoạch tổng hợp lưu vực
sông quy mô liên tỉnh;
h) Quy hoạch phát triển quốc gia
thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trong từng thời kỳ, danh mục các
ngành, lĩnh vực cần phải lập quy hoạch phát triển do Thủ tướng Chính phủ quyết
định.
3. Các loại kế hoạch phát triển
quy định tại Điều 1 Khoản 4 của Nghị định bao gồm:
3.1. Kế hoạch phát triển kinh tế
– xã hội 5 năm và hàng năm của cả nước;
3.2. Kế hoạch phát triển kinh tế
– xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
3.3. Kế hoạch phát triển quốc
gia các ngành, lĩnh vực bao gồm những ngành, lĩnh vực quy định tại mục 2.2. của
Thông tư này.
4. Danh mục cụ thể các dự án phải
lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 1 Khoản 6 của
Nghị định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9
tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
III. QUY ĐỊNH
VỀ NỘI DUNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN LẬP CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH
VÀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN
1. Đối với chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch phát triển
1.1. Nội dung bảo vệ môi trường
trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bao gồm:
a) Đánh giá tổng quát về hiện trạng
môi trường của vùng lãnh thổ được xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
b) Dự báo diễn biến môi trường
trong giai đoạn thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
c) Định hướng các mục tiêu, chỉ
tiêu bảo vệ môi trường
d) Phương hướng, nhiệm vụ, giải
pháp để thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường
1.2. Nội dung bảo vệ môi trường
trong các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển ngành bao gồm:
a) Đánh giá khái quát hiện trạng
môi trường có liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
b) Dự báo tác động / ảnh hưởng của
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành tới môi trường trong giai đoạn
thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
c) Định hướng các mục tiêu, chỉ
tiêu bảo vệ môi trường
d) Phương hướng, nhiệm vụ, giải
pháp bảo vệ môi trường
1.3. Việc lập báo cáo đánh giá
môi trường chiến lược, cấu trúc và nội dung của báo cáo thực hiện theo quy định
tại Thông tư 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 09 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và
Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi
trường và cam kết bảo vệ môi trường.
2. Đối với dự án
2.1. Nội dung thuyết minh của dự
án đầu tư. Báo cáo đầu tư; nội dung Giải trình kinh tế – kỹ thuật phải bao gồm
cả nội dung về môi trường như sau:
a) Các tác động, ảnh hưởng của dự
án tới môi trường không khí, nước, đất và môi trường sinh thái;
b) Các giải pháp về bảo vệ môi
trường.
2.2. Việc lập báo cáo đánh giá
tác động môi trường, cấu trúc và nội dung của báo cáo thực hiện theo quy định tại
Thông tư 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 09 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường
và cam kết bảo vệ môi trường.
IV. QUY ĐỊNH
VỀ NỘI DUNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC,
QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH VÀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN
1. Đối với chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch
1.1. Nội dung thẩm định chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phải bao gồm cả việc xem xét kết quả thẩm định báo cáo đánh
giá môi trường chiến lược.
1.2. Nội dung phê duyệt chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, ngoài những nội dung theo quy định hiện hành, còn phải nêu
những vấn đề môi trường cần lưu ý khi triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch.
2. Đối với dự án
2.1. Đối với những dự án phải thực
hiện thủ tục thẩm định, thẩm tra đầu tư, ngoài những nội dung thẩm định, thẩm
tra theo quy định, phải kiểm tra, xem xét tính hợp lệ của Quyết định phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hoặc Giấy xác nhận đăng ký cam kết
bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2.2. Đối với những dự án không
phải thực hiện thủ tục thẩm tra, quá trình kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng
ký đầu tư phải kiểm tra cả Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi
trường của dự án hoặc Giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
V. KINH PHÍ LẬP
VÀ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG
MÔI TRƯỜNG
1. Kinh phí để lập báo cáo đánh
giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường được sử dụng từ
nguồn kinh phí xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự
án.
Mức kinh phí để lập báo cáo đánh
giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch phát triển thực hiện theo Quyết định
số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc
ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm
chủ yếu.
2. Kinh phí để thẩm định báo cáo
đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện
hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29 tháng
12 năm 2006 của liên Bộ Tài chính – Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý
kinh phí sự nghiệp môi trường.
VI. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
1. Thông tư có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Tổng công ty 91;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KHGDTN&MT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Võ Hồng Phúc
|