Thông tư 06/2003/TT-BCA(V19) hướng dẫn Quy chế quản lý kho vật chứng (ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/2002) trong lực lượng công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
Số hiệu | 06/2003/TT-BCA(V19) |
Ngày ban hành | 12/03/2003 |
Ngày có hiệu lực | 03/05/2003 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An |
Người ký | Lê Hồng Anh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2003/TT-BCA(V19) |
Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2003 |
Ngày 18 tháng 2 năm 2002, Chính phủ ra Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ban hành Quy chế Quản lý kho vật chứng. Để thực hiện thống nhất trong lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an hướng dẫn một số điều của Quy chế Quản lý kho vật chứng như sau:
a) Để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự do các cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng an ninh nhân dân, cảnh sát nhân dân và do Viện Kiểm sát nhân dân thụ lý giải quyết, mỗi công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là công an cấp huyện) tổ chức một kho vật chứng, do đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp quản lý; mỗi công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là công an cấp tỉnh) tổ chức một kho vật chứng, do Phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp quản lý; ở Bộ Công an tổ chức một kho vật chứng, do Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp quản lý.
b) Giám đốc công an cấp tỉnh căn cứ vào biên chế cán bộ, chiến sĩ đã được Bộ ấn định cho địa phương, tình hình số lượng vật chứng, đồ vật và tài liệu khác thường xuyên phải lưu giữ trong kho vật chứng để quyết định số lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý kho vật chứng ở địa phương mình, theo hướng mỗi kho vật chứng có ít nhất từ hai cán bộ, chiến sĩ trở lên (trong đó một người là thủ kho vật chứng). Thủ kho vật chứng ở Công an cấp tỉnh do Giám đốc công an cấp tỉnh quyết định trong số cán bộ của Phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp; thủ kho vật chứng ở công an cấp huyện do Trưởng công an cấp huyện quyết định trong số cán bộ của đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.
c) Cục trưởng Cục cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp căn cứ vào biên chế cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mình, tình hình số lượng vật chứng, đồ vật và tài liệu khác thường xuyên phải lưu giữ trong kho vật chứng để quyết định cán bộ, chiến sĩ cụ thể của Cục mình làm công tác quản lý kho vật chứng, theo hướng có ít nhất từ hai cán bộ, chiến sĩ trở lên (trong đó một người là thủ kho vật chứng).
d) Kho vật chứng phải được bố trí lực lượng để bảo vệ 24/24 giờ trong ngày.
đ) Những kho vật chứng đã được xây đựng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Quy chế quản lý kho vật chứng và phù hợp yêu cầu thực tế thì giữ nguyên trạng và tiếp tục sử dụng làm kho vật chứng, song vẫn phải làm thủ tục quyết định thành lập kho vật chứng. Những kho vật chứng đã được xây dựng nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phù hợp yêu cầu thực tế hoặc những nơi chưa có kho vật chứng, thì phải lập hồ sơ đề nghị thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
2. Hồ sơ, trình tự xin thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng.
a) Hồ sơ đề nghị thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng bao gồm:
- Công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an của Giám đốc công an cấp tỉnh (đối với các kho vật chứng ở công an địa phương) hoặc của Tổng cục trưởng Tổng cục II (đối với kho vật chứng ở Bộ), nêu rõ nơi thành lập, xây dựng, sửa chữa, cải tạo và quy mô kho vật chứng; dự kiến kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo...;
- Quyết định cấp đất của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền (trừ trường hợp kho được xây dựng trên diện tích đất hiện đang thuộc quyền sử dụng của cơ quan công an);
- Hồ sơ thiết kế xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Dự kiến phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết trang bị cho kho vật chứng;
- Ý kiến bằng văn bản của Tổng cục II, Tổng cục III, Tổng cục IV, Tổng cục VI và của V22 về đề nghị thành lập, xây dựng, sửa chữa, cải tạo kho vật chứng;
- Các tài liệu khác có liên quan.
b) Trình tự xin thành lập, sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới kho vật chứng.
- Ở địa phương, công an các cấp nơi cần thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng thì phải lập hồ sơ đề nghị. Hồ sơ được gửi về công an cấp tỉnh để tập hợp. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp, hoàn thiện hồ sơ của công an các đơn vị, địa phương mình, làm công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an và gửi kèm theo hồ sơ về Tổng cục II. Sau khi nhận được công văn và hồ sơ đề nghị, Tổng cục II có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Tổng cục III, Tổng cục IV, Tổng cục VI và V22 tiến hành xem xét, thẩm định và trình Bộ trưởng quyết định.
- Ở Bộ, Tổng cục II lập hồ sơ về việc thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng; đồng thời, chủ trì phối hợp với Tổng cục III, Tổng cục IV, Tổng cục VI và V22 đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thành lập, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo kho vật chứng ở Bộ Công an.
3. Tiếp nhận, chuyển giao, bảo quản, quản lý vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án.
a) Các đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trực tiếp quản lý kho vật chứng của công an các cấp có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản, quản lý vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của các vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy chế quản lý kho vật chứng trong giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố.
Sau khi tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án đang được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan công an phải được chuyển sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án để quản lý phục vụ công tác xét xử và thi hành án. Ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đang thụ lý vụ án ra lệnh xuất và thực hiện việc nhận, vận chuyển, chuyển giao vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án từ kho vật chứng của cơ quan công an sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án.
b) Trường hợp vật chứng, đồ vật của vụ án là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật do điều kiện khách quan mà cơ quan đang thụ lý vụ án không thể chuyển giao được ngay cho cơ quan chuyên trách để bảo quản thì phải tạm nhập vào kho vật chứng để bảo quản. Sau khi khắc phục được hoặc khi điều kiện khách quan cản trở không còn nữa thì Thủ trưởng đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án ra lệnh xuất và thực hiện ngay việc nhận, chuyển giao vật chứng, đồ vật nói trên sang cơ quan chuyên trách để bảo quản.
c) Tất cả vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án trong kho phải được phân loại, sắp xếp hợp lý và áp dụng chế độ quản lý phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập, bảo quản và tránh nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng, giảm hoặc mất giá trị, giá trị chứng minh, giá trị sử dụng hoặc gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân và tính mạng, sức khỏe của con người.
d) Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu lệnh nhập, xuất vật chứng; phiếu nhập, xuất vật chứng (Mẫu số 1a, 1b, 2a, 2b)*.
Công an các đơn vị, địa phương nơi có kho vật chứng, ít nhất một năm hai lần phải tổ chức kiểm tra, rà soát vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án đang được bảo quản trong kho vật chứng thuộc quyền quản lý của mình. Khi kiểm tra, rà soát nếu phát hiện có vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án bị tồn đọng, không được xử lý cùng với vụ án hoặc đã được xử lý nhưng cơ quan có trách nhiệm chậm trễ trong việc thi hành... hoặc phát hiện vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án bị mất mát, hư hỏng, mất giá trị chứng minh thì yêu cầu Thủ trưởng đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thông báo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.