Thông tư 057-TTg năm 1960 hướng dẫn thi hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 057-TTg
Ngày ban hành 04/03/1960
Ngày có hiệu lực 19/03/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

PHỦ THỦ TƯỚNG

*******

Số: 057-TTg

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 1960

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIẾT QUỐC HỘI CHO KỲ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA II     

Nghị quyết của Quốc hội ngày 31 tháng 12 năm 1959 đã giao Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II trong 6 tháng  đầu năm 1960.

Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II vào ngày 08 tháng 5 năm 1960.

Căn cứ vào Lụât bầu cử đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quy định những chi tiết thi hành luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II như sau:

I. LẬP DANH SÁCH CỬ TRI

Danh sách cử tri phải được lập xong và niêm yết chậm nhất là ngày 8 tháng 4 năm 1960. Yêu cầu của việc lập danh sách cử tri là: không bỏ sót một người nào có quyền bầu cử và không ghi lầm một người nào không có quyền bầu cử vào danh sách.

1. Điều kiện cử tri.

a) Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú đều có quyền bầu cử.

b) Công dân đang ở trong quân đội và các lực lượng công an nhân dân vũ trang có quyền bầu cử như những công dân khác.

c) Địa chủ được bầu cử theo những điều kiện sau đây:

- Ở vùng đã cải cách ruộng đất, những địa chủ, nếu làm đúng theo quy định của Chính phủ, thì đã được đổi thành phần rồi, nhưng vì Ủy ban hành chính xã và Ban Chấp hành Nông hội xã chưa đề nghị và Ủy ban hành chính tỉnh chưa chuẩn y cho thay đổi thành phần, thì trong cuộc bầu cử này coi như đã được thay đổi thành phần và được quyền bầu cử.

- Ở vùng mới cải cách dân chủ, địa chủ thường được Ủy ban hành chính xã và Ban Chấp hành Nông hội xã đề nghị, được Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y, và địa chủ kháng chiến đều được quyền bầu cử.

- Con địa chủ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

d) Những người bị Tòa án hoặc pháp luật trước quyền bầu cử và ứng cử, và những người mất trí không có quyền bầu cử.

Lúc lập danh sách cử tri, những công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, cư trú thường xuyên hay tạm thời ở khu vực bỏ phiếu nào, đều được ghi tên vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu đó.

2. Tổ chức phụ trách lập danh sách cử tri.

Các Ủy ban hành chính thị xã, khu phố, xã, thị trấn có nhiệm vụ lập danh sách cử tri.

Việc lập danh sách cử tri đối với các đơn vị quân đội và công an nhân dân cũ trang do các Ban chỉ huy các đơn vị đó phụ trách.

Ở mỗi thị xã, khu phố, xã, thị trấn, nên có tổ chức chuyên trách giúp Ủy ban hành chính trong việc lập danh sách cử tri: thẩm tra tư cách cử tri và đăng ký cử tri, thành phần tổ chức đó có thể gồm một số trong những người sau đây: ủy viên Ủy ban hành chính, đại diện Ban quản trị hợp tác xã hoặc Ban chấp hành Nông hội, cán bộ công an, cán bộ hộ tịch, trưởng xóm, trưởng khu, trưởng ban đại biểu dân phố, v.v… Thành phần phải gồm đủ người cần thiết nhưng phải gọn.

Ở mỗi xóm, mỗi phố hay mỗi khối, nên có một số người giúp việc ghi tên các cử tri và nêu lên những trường hợp cần xét về tư cách cử tri. Những người làm việc này có thể là: trưởng xóm, công an xóm, công an phố, hộ tịch viên, tổ trưởng, tổ phó dân phố, và một số thanh niên tốt, đọc viết thạo.

Trong việc lập danh sách cử tri, các cơ quan Công an có nhiệm vụ cung cấp tài liệu cần thiết cho Ủy ban hành chính.

3. Phương pháp lập danh sách cử tri.

a) Chuẩn bị lập danh sách:

Dựa vào các tài liệu sẵn có như tài liệu về điều tra dân số, quản lý hộ khẩu, thuế nông nghiệp, v.v… các nhân viên phụ trách lập danh sách phân công nhau đi từng hộ thẩm tra lại và ghi tên những người có đủ điều kiện tham gia bầu cử. Đối với những trường hợp chưa rõ, thì ghi riêng để điều tra thêm hoặc hỏi ý kiến cấp trên. Không nên vì một đôi trường hợp chưa rõ mà đình chỉ toàn bộ công tác lập danh sách cử tri.

b) Lập danh sách:

Ở xã và thị trấn, danh sách cử tri của mỗi khu vực bỏ phiếu lập theo xóm, phố, tên cử tri xếp theo hộ. Ở thị xã và khu phố, danh sách cử tri của mỗi khu vực bỏ phiếu được lập theo khối hay tổ dân phố, tên cử tri xếp theo hộ. Trong mỗi hộ, tên chủ hộ xếp lên đầu. Các hộ xếp theo thứ tự từ đầu xóm đến cuối xóm hoặc từ đầu phố đến cuối phố, hoặc theo một thứ tự thích hợp với hoàn cảnh địa phương.

Các danh sách sẽ được đưa ra một cuộc họp nhân dân thảo luận để nhân dân góp ý kiến. Sau đó, các xóm, phố, khối, tập trung danh sách cử tri lên Ủy ban hành chính cơ sở. Ủy ban hành chính cơ sở cần xếp danh sách cử tri của các xóm, phố, khối trong khu vực bỏ phiếu thành một danh sách cử tri của từng khu vực bỏ phiếu. Bản sao danh sách cử tri của từng khu vực bỏ phiếu phải được niêm yết. Chủ tịch Ủy ban hành chính cơ sở phải ký tên và đóng dấu Ủy ban hành chính vào từng danh sách cử tri (cả bản chính để lưu ở trụ sở Ủy ban hành chính và bản sao để niêm yết).

[...]