Thông tư 05/2019/TT-BNNPTNT quy định về chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 05/2019/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 02/05/2019
Ngày có hiệu lực 01/07/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hoàng Hiệp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2019/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG THỦY LỢI

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm tra là việc xem xét bằng trực quan hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng nhằm đánh giá hiện trạng của công trình, máy móc, thiết bị.

2. Quan trắc là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển dịch và các thông số kỹ thuật khác của công trình, máy móc, thiết bị và môi trường xung quanh theo thời gian.

3. Kiểm định chất lượng là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, giá trị, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của công trình, máy móc, thiết bị hoặc bộ phận công trình thông qua quan trắc, thí nghiệm kết hợp tính toán, phân tích.

4. Bảo dưỡng là hoạt động đơn giản, phải làm hàng ngày hoặc thường xuyên, sử dụng lao động, vật liệu để duy trì sự hoạt động bình thường của công trình và máy móc, thiết bị.

5. Sửa chữa thường xuyên là công việc có tính chất thường xuyên hằng năm, khắc phục những hư hỏng công trình và máy móc, thiết bị nhằm chống xuống cấp, không dẫn đến hư hỏng lớn hơn bảo đảm hoạt động bình thường của tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

6. Sửa chữa định kỳ là hoạt động theo chu kỳ, khắc phục hư hỏng lớn, thay thế một số bộ phận quan trọng hết tuổi thọ, nếu không được sửa chữa có khả năng gây mất an toàn, hạn chế năng lực phục vụ của công trình và máy móc, thiết bị.

7. Sửa chữa đột xuất là hoạt động khẩn cấp khắc phục sự cố, hư hỏng của công trình, máy móc, thiết bị do tác động của mưa, gió, bão, lũ, ngập lụt, úng, động đất, va đập, cháy, nổ hoặc những tác động đột xuất khác.

8. Quy trình bảo trì là tài liệu quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì cho công trình và máy móc, thiết bị. Quy trình bảo trì được xây dựng để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công việc kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Điều 4. Nguyên tắc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Đảm bảo an toàn công trình và duy trì sự làm việc bình thường của công trình và máy móc, thiết bị.

2. Không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế, mục đích sử dụng của công trình; giảm thiểu ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của công trình thủy lợi.

[...]