BỘ
THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
05/2012/TT-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2012
|
THÔNG TƯ
PHÂN LOẠI CÁC DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP
ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Viễn thông,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông ban hành Thông tư Phân loại các dịch vụ viễn thông.
MỤC 1. QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này phân loại các dịch vụ
viễn thông.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân liên quan
tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.
MỤC 2. CÁC DỊCH
VỤ VIỄN THÔNG
Điều 3. Dịch vụ
viễn thông
1. Theo đặc điểm công nghệ, phương
thức truyền dẫn của mạng viễn thông, các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị
gia tăng quy định tại Điều 9 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày
06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Viễn thông được kết hợp với
nhau thành các loại hình dịch vụ cụ thể sau đây:
a) Dịch vụ viễn thông cố định bao gồm
dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, dịch vụ viễn thông cố định vệ tinh;
b) Dịch vụ viễn thông di động bao gồm
dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ viễn thông di động vệ tinh, dịch vụ
viễn thông di động hàng hải, dịch vụ viễn thông di động hàng không.
2. Theo hình thức thanh toán giá cước,
các dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều này được phân thành dịch vụ trả
trước và dịch vụ trả sau.
a) Dịch vụ trả trước là dịch vụ mà
người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán giá cước sử dụng dịch vụ trước khi
sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên;
b) Dịch vụ trả sau là dịch vụ mà
người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán giá cước sử dụng dịch vụ sau khi sử
dụng dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên.
3. Theo phạm vi liên lạc, các dịch
vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều này được phân thành dịch vụ nội mạng và
dịch vụ liên mạng.
a) Dịch vụ nội mạng là dịch vụ gửi,
truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ của cùng một mạng
viễn thông;
b) Dịch vụ liên mạng là dịch vụ gửi,
truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ của các mạng
viễn thông khác nhau. Các mạng viễn thông khác nhau là các mạng viễn thông khác
loại của cùng một doanh nghiệp viễn thông hoặc các mạng viễn thông của các
doanh nghiệp viễn thông khác nhau.
4. Dịch vụ viễn thông cộng thêm là
dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là
một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản
và giá trị gia tăng.
5. Các dịch vụ viễn thông khác theo
quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 4. Dịch vụ
viễn thông cố định
1. Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất
là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua mạng viễn thông cố định mặt đất.
Theo phạm vi liên lạc, dịch vụ viễn thông cố định mặt đất được phân ra thành dịch
vụ nội hạt, dịch vụ đường dài trong nước, dịch vụ quốc tế.
a) Dịch vụ nội hạt là dịch vụ gửi,
truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ viễn thông cố
định mặt đất ở trong cùng phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Dịch vụ đường dài trong nước là
dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ
viễn thông cố định mặt đất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác
nhau;
c) Dịch vụ quốc tế là dịch vụ gửi,
truyền, nhận và xử lý thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông cố định mặt
đất ở Việt Nam đi quốc tế hoặc từ người sử dụng dịch vụ viễn thông ở nước ngoài
tới người sử dụng dịch vụ viễn thông cố định mặt đất ở Việt Nam.
2. Dịch vụ viễn thông cố định vệ
tinh là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua mạng viễn thông cố định vệ
tinh.
3. Các dịch vụ viễn thông cố định
quy định tại các khoản 1, 2 Điều này bao gồm các dịch vụ sau:
a) Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm:
dịch vụ điện thoại (thoại, fax, truyền số liệu trong băng thoại); dịch vụ truyền
số liệu; dịch vụ nhắn tin; dịch vụ truyền hình ảnh; dịch vụ hội nghị truyền
hình; dịch vụ kênh thuê riêng; dịch vụ kết nối Internet; dịch vụ mạng riêng ảo
và các dịch vụ viễn thông cơ bản khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia
tăng bao gồm: dịch vụ thư điện tử; dịch vụ thư thoại; dịch vụ fax gia tăng giá
trị; dịch vụ truy nhập Internet, gồm dịch vụ truy nhập Internet băng hẹp có tốc
độ tải thông tin xuống thấp hơn 256 kb/s và dịch vụ truy nhập Internet băng rộng
có tốc độ tải thông tin xuống từ 256 kb/s trở lên và các dịch vụ viễn thông giá
trị gia tăng khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Dịch vụ viễn thông cộng thêm bao
gồm: dịch vụ hiển thị số chủ gọi; dịch vụ giấu số gọi; dịch vụ bắt số; dịch vụ
chờ cuộc gọi; dịch vụ chuyển cuộc gọi; dịch vụ chặn cuộc gọi; dịch vụ quay số tắt
và các dịch vụ viễn thông cộng thêm khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
Điều 5. Dịch vụ
viễn thông di động
1. Dịch vụ viễn thông di động mặt đất
là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua mạng viễn thông di động mặt đất
(mạng thông tin di động, mạng trung kế vô tuyến, mạng nhắn tin), bao gồm:
a) Dịch vụ thông tin di động mặt đất;
b) Dịch vụ trung kế vô tuyến;
c) Dịch vụ nhắn tin.
2. Dịch vụ viễn thông di động vệ tinh
là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua mạng viễn thông di động vệ tinh.
3. Dịch vụ viễn thông di động hàng
hải là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua hệ thống đài bờ, đài tàu, đài
vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá để bảo đảm liên lạc cho người sử dụng
dịch vụ trên tàu, thuyền.
4. Dịch vụ viễn thông di động hàng
không là dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua hệ thống đài mặt đất, đài
máy bay để bảo đảm liên lạc cho người sử dụng dịch vụ trên máy bay.
5. Các dịch vụ viễn thông di động
quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này bao gồm các dịch vụ sau:
a) Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm:
dịch vụ điện thoại; dịch vụ fax; dịch vụ truyền số liệu; dịch vụ truyền hình ảnh;
dịch vụ nhắn tin và các dịch vụ viễn thông cơ bản khác theo quy định của Bộ
Thông tin và Truyền thông.
b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia
tăng bao gồm: dịch vụ thư điện tử; dịch vụ thư thoại; dịch vụ fax gia tăng giá
trị; dịch vụ truy nhập Internet, gồm dịch dụ truy nhập Internet băng hẹp có tốc
độ tải thông tin xuống thấp hơn 256 kb/s và dịch vụ truy nhập Internet băng rộng
có tốc độ tải thông tin xuống từ 256kb/s trở lên và các dịch vụ viễn thông giá
trị gia tăng khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Dịch vụ viễn thông cộng thêm bao
gồm: dịch vụ hiển thị số chủ gọi; dịch vụ giấu số gọi; dịch vụ bắt số; dịch vụ
chờ cuộc gọi; dịch vụ chuyển cuộc gọi; dịch vụ chặn cuộc gọi; dịch vụ quay số tắt
và các dịch vụ viễn thông cộng thêm khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
Điều 6. Điều chỉnh
các dịch vụ viễn thông
Căn cứ vào tình hình phát triển thị
trường và chính sách quản lý viễn thông trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và
Truyền thông sẽ điều chỉnh các dịch vụ viễn thông cho phù hợp với yêu cầu quản
lý.
MỤC 3. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 7. Hiệu lực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 15 tháng 07 năm 2012.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
1. Chánh Văn phòng, thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng giám
đốc, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền
thông (Cục Viễn thông) để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các doanh nghiệp viễn thông;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT;
- Lưu: VT, Cục VT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Bắc Son
|