Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 04-TT-LB năm 1956 về thể lệ quản lý tiền mặt của các đơn vị giao thông vận tải Bưu điện do Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam - Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành ban hành

Số hiệu 04-TT-LB
Ngày ban hành 15/11/1956
Ngày có hiệu lực 30/11/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện,Ngân hàng quốc gia
Người ký Nguyễn Hữu Mai,Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-TT-LB

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

VỀ THỂ LỆ QUẢN LÝ TIỀN MẶT CỦA CÁC ĐƠN VỊ GIAO THÔNG VẬN TẢI BƯU ĐIỆN

Để chấp hành nghị định số 169-TTg ngày 01-05-1952 và thông tư số 622-TTg ngày 27-11-1955 của Thủ Tướng Chính phủ về quản lý tiền mặt, Liên Bộ Giao thông và Bưu điện – Ngân hàng Quốc gia quy định biện pháp thực hiện việc quản lý tiền mặt đối với Tổng cục, Cục, Nha, Sở và các đơn vị trực thuộc, theo các điều mục sau đây:

Mục I

MỞ TÀI KHOẢN VÀ TẬP TRUNG TIỀN MẶT VÀO NGÂN HÀNG

Điều 1: Các đơn vị trực thuộc Tổng cục đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Cục vận tải đường thuỷ, Nha giao thông, có dự toán kinh phí riêng như các phòng, ty, tổng đội, chi nhánh, xưởng, đoàn, cảng, trường, bệnh viện, nhà ga, công trường,... đều phải mở tài khoản gửi kinh phí và tập trung tiền mặt, séc vào Ngân hàng địa phương.

Các đơn vị ở xa Ngân hàng trên 100 cây số, đường đi lại khó khăn không phải mở tài khoản gửi tiền tại Ngân hàng.

Điều 2: Các đơn vị có thu nhập tiền mặt hay séc hàng ngày phải nộp tất cả số tiền mặt và séc đã thu được vào Ngân hàng, không được giữ tiền mặt tại quỹ quá mức đã định.

Những đơn vị ở các thành phố và thị xã có thu tiền mặt hàng ngày thì chậm nhất là ngày hôm sau phải nộp hết số tiền thu được ngày hôm trước.

Đối với những đơn vị ở xa Ngân hàng trên 10 cây số, sẽ tuỳ theo xa gần và số tiền thu nhập hàng ngày mà Ngân hàng địa phương và chủ tài khoản ấn định mức tiền và thời gian nộp.

Điều 3: Các đơn vị có tiền mặt nộp vào Ngân hàng phải được sắp xếp, đóng gói bạc theo quy cách của Ngân hàng đã quy định.

Điều 4: Hàng quý và tháng, các đơn vị phải lập kế hoạch thu chi tiền mặt gửi trước cho Ngân hàng để Ngân hàng tổ chức bố trí người thu.

Kế hoạch tiền mặt phải làm đúng theo mẫu và các mục trong mẫu của Ngân hàng đã quy định.

Khi có những khoản chi tiêu bất thường chưa ghi vào kế hoạch thì đơn vị phải làm kế hoạch bổ sung gửi cho Ngân hàng.

Mục II

THANH TOÁN BẰNG CHUYỂN KHOẢN VÀ CHUYỂN TIỀN

Điều 5: Mọi khoản giao dịch mua bán giữa đơn vị với các công ty Mậu dịch quốc doanh, các cơ quan, đoàn thể, bộ đội hay giữa đơn vị với nhau đều phải thanh toán bằng chuyển khoản của Ngân hàng, nhất thiết không được cho nhau vay mượn, trả nợ, thanh toán bằng tiền mặt (cho nhau bằng chuyển khoản cũng không nên làm).

Để tiết giảm chi tiêu tiền mặt, tất cả các nguyên vật liệu máy móc, dụng cụ, ... phải tranh thủ mua của Mậu dịch và xí nghiệp quốc doanh để thanh toán bằng chuyển khoản, trường hợp các xí nghiệp Nhà nước không có hàng mới mua ở ngoài.

Điều 6: Mỗi việc điều động vốn của Bộ, các Tổng cục, các Sở... cho đơn vị hoặc từ đơn vị này cho đơn vị khác, đều phải qua Ngân hàng không được chuyển vận tiền mặt.

Ở những tỉnh mà Ngân hàng không có kho phát hành, các đơn vị được chuyển vận tiền mặt đến nơi đó hoặc từ nơi đó đi. Đến nơi, đơn vị phải gửi ngay số tiền mặt đó vào Ngân hàng để rút dần ra chi tiêu theo kế hoạch, không được giữ tại xí nghiệp.

Điều 7: Khi có những việc xin trích tài khoản thanh toán giữa các Cục, giữa tỉnh với Trung ương, giữa các đơn vị với nhau hay với cơ quan, đơn vị khác có tài khoản ở Ngân hàng, Ngân hàng phải đảm bảo thanh toán nhanh chóng, chậm lắm là ngày hôm sau phải làm xong các thủ tục (trừ ngày nghỉ) và gửi giấy báo cho các đơn vị hữu quan biết.

Điều 8: Mỗi khi các đơn vị xin trích tài khoản để chuyển tiền, Ngân hàng phải làm xong các thủ tục, chậm lắm là hết ngày hôm sau (trừ ngày nghỉ) phải gửi xong giấy chuyển tiền đi.

Khi nhận được giấy chuyển tiền đến cho các đơn vị, Ngân hàng phải ghi ngay vào tài khoản cho các đơn vị được hưởng và ngày hôm sau (trừ ngày nghỉ) phải gửi giấy "báo Có" cho các đơn vị ấy.

Điều 9: Tuỳ theo điều kiện và sự thoả thuận của các đơn vị, cơ quan xí nghiệp... Ngân hàng có thể kí hợp đồng với các xí nghiệp cơ quan đương sự đứng trung gian thanh toán nợ nần trong việc giao dịch mua bán với nhau để đảm bảo việc thanh toán được kịp thời tránh tình trạng dây dưa như đã thường xảy ra.

Mục III

RÚT TIỀN MẶT VÀ MỨC TIỀN GIỮ TẠI QUỸ

Điều 10: Căn cứ vào kế hoạch thu tiền mặt và số tiền tồn khoản của mỗi đơn vị, Ngân hàng phải đảm bảo cấp phát tiền mặt cho các đơn vị trên nguyên tắc tiết kiệm tiền mặt đúng mức.

Các đơn vị dựa theo chế độ phát lương cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị mình và số người hiện diện mà rút tiền dần về dự chi, không rút quá mức. Số tiền lương của cán bộ, công nhân viên đi công tác vắng lâu ngày thì chưa nên rút về để đọng lại quỹ.

[...]