Thông tư 04/2008/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế trong quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 04/2008/TT-BQP
Ngày ban hành 11/01/2008
Ngày có hiệu lực 12/02/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 04/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 132/2007/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 8 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Thi hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (sau đây được viết là Nghị định số 132/2007/NĐ-CP);
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24 tháng 9 năm 2007 của liên Bộ: Nội vụ - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP;
Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại công văn số 3579/BNV-TCBC ngày 13 tháng 12 năm 2007, Bộ Tài chính tại công văn số 17226/BTC-VI ngày 18 tháng 12 năm 2007, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế do Bộ tổng Tham mưu giao hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội (sau đây được viết tắt là công nhân viên chức quốc phòng) trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội; một số chức danh quản lý không phải là quân nhân trong công ty nhà nước thuộc quân đội thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

2. Đối tượng áp dụng

a) Công nhân viên chức quốc phòng dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không thể bố trí công việc khác phù hợp tại cơ quan, đơn vị đó.

b) Công nhân viên chức quốc phòng thôi giữ chức vụ lãnh đạo bao gồm: Cán bộ bầu cử và bổ nhiệm, do sắp xếp tổ chức hoặc không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được theo vị trí công việc mới.

c) Công nhân viên chức quốc phòng chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được; công nhân viên chức quốc phòng dôi dư do cơ cấu trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác.

d) Công nhân viên chức quốc phòng không hoàn thành nhiệm vụ đối với công việc được giao trong hai năm liền kề gần đây do năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu hoặc sức khoẻ không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém nhưng chưa đến mức buộc thôi việc.

đ) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát không phải là quân nhân của các công ty nhà nước thuộc quân đội thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Các chức danh này nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định là thành viên của Ban thanh lý doanh nghiệp, sau khi Ban thanh lý doanh nghiệp giải thể, không bố trí được công việc khác thì cũng được áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Thông tư này.

3. Đối tượng chưa áp dụng

a) Đang trong thời gian điều trị, điều dưỡng tại bệnh viện có xác nhận của Giám đốc bệnh viện.

b) Đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

4. Đối tượng không áp dụng

a) Công nhân viên chức quốc phòng tự ý bỏ việc hoặc đi học tập, công tác, nghỉ phép ở nước ngoài quá thời hạn từ 30 ngày trở lên không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

b) Công nhân viên chức quốc phòng không trong diện sắp xếp tinh giản biên chế nhưng tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc hoặc chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước do nhu cầu cá nhân.

c) Công nhân viên chức quốc phòng bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

d) Công nhân quốc phòng làm việc trong các doanh nghiệp quân đội, hưởng lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

II. CƠ SỞ TÍNH TOÁN TRỢ CẤP CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Tiền lương và các loại phụ cấp

a) Tiền lương và phụ cấp để làm cơ sở tính toán chế độ trợ cấp là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có), trong đó:

- Tiền lương theo ngạch, bậc là hệ số lương theo ngạch, bậc nhân với mức lương tối thiểu chung;

- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo là hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung;

- Phụ cấp thâm niên vượt khung là tỷ lệ % được hưởng (nếu có) nhân với hệ số bậc lương cuối cùng trong ngạch, nhân với mức lương tối thiểu chung;

- Phụ cấp thâm niên nghề là tỷ lệ % được hưởng (nếu có) nhân với tổng của hệ số lương theo ngạch, bậc, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), tỷ lệ % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhân với mức lương tối thiểu chung;

[...]