Thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành

Số hiệu 04/2007/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/02/2007
Ngày có hiệu lực 30/03/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
******

Số:04/2007/TT-BLĐTBXH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
*********

 Hà Nội, ngày 28 tháng  02 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH RÀ SOÁT HỘ NGHÈO HÀNG NĂM

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia";
Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng trong giai đoạn 2006-2010;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1.Thông tư này hướng dẫn qui trình rà soát hộ nghèo hàng năm từ cơ sở (thôn/ bản; xã/ phường) nhằm xác định đúng đối tượng hộ nghèo làm căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo trên từng địa bàn.

2. Nguyên tắc rà soát hộ nghèo: đảm bảo tính chính xác; dân chủ, công bằng, công khai và có sự tham gia bình xét của người dân.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp trong rà soát hộ nghèo.

3.1. Cấp xã:  UBND cấp xã lập ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo bao gồm các trưởng thôn, bản và đại diện các chi hội đoàn thể ở thôn, bản để trực tiếp thực hiện rà soát hộ nghèo (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo cấp xã có nhiệm vụ:

- Phổ biến mục đích, yêu cầu của việc rà soát hộ nghèo.

- Trực tiếp rà soát hộ nghèo và tổ chức bình xét công khai, dân chủ.

- Đề nghị Ban chỉ đạo cấp huyện phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo của xã; trình Uỷ ban nhân dân xã làm thủ tục công nhận hộ thoát nghèo, hộ nghèo mới;

- Theo dõi biến động hộ nghèo trên địa bàn xã.

3.2. Cấp huyện (Phòng Nội vụ- Lao động):

 - Đề xuất với Uỷ ban nhân dân huyện kế hoạch rà soát, xác định hộ nghèo; phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo việc rà soát hộ nghèo;

- Tổ chức thẩm định kết quả rà soát hộ nghèo do các xã gửi lên; trường hợp thấy số liệu phản ánh chưa đúng tình hình thực tế của địa phương, có thể tổ chức kiểm tra lại kết quả rà soát.

- Trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt danh sách hộ thoát nghèo, hộ nghèo mới, danh sách hộ nghèo trên địa bàn huyện, thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận và báo cáo Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh;

- Quản lý, theo dõi biến động hộ nghèo trên địa bàn huyện.

3.3. Cấp tỉnh (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội):

- Đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh kế hoạch rà soát; thống nhất in ấn mẫu biểu rà soát trên địa bàn.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo thực hiện việc rà soát;

- Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm và báo cáo văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo của Chính phủ (tại Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội);

- Quản lý và theo dõi biến động hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

II. QUI TRÌNH RÀ SOÁT HỘ NGHÈO

1.  Công tác chuẩn bị rà soát hộ nghèo

a. Cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn kế hoạch, mẫu biểu rà soát hộ nghèo.

b. Lập Ban chỉ đạo cấp xã.

c. Tổ chức tập huấn rà soát hộ nghèo:

- Tập huấn cho thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện.

[...]