Thông tư 04/2001/TT-BCN hướng dẫn Quyết định 19/2001/QĐ-TTg bổ sung máy vi tính vào danh mục các sản phẩm công nghiệp trọng điểm được hỗ trợ theo Quyết định 37/2000/QĐ-TTg do Bộ Công Nghiệp ban hành

Số hiệu 04/2001/TT-BCN
Ngày ban hành 06/06/2001
Ngày có hiệu lực 21/06/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Nguyễn Xuân Chuẩn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TT-BCN

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 04/2001/TT-BCN NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 19/2001/QĐ/TTG NGÀY 20 THÁNG 02 NĂM 2001 VỀ VIỆC BỔ SUNG MÁY VI TÍNH VÀO DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM ĐƯỢC HỖ TRỢ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2000/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của bộ máy công nghiệp;
Căn cứ Quy chế quản lí đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm;
Căn cứ Quyết định số 19/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2001 về việc bổ sung máy vi tính vào danh mục các sản phẩm trọng điểm được hỗ trợ theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ;
Sau khi có ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan,
Bộ Công nghiệp hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 19/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung máy vi tính vào danh mục các sản phẩm trọng điểm được hỗ trợ theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính là sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, tiêu biểu cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin, mang thương hiệu Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam, có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và thúc đẩy cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác trong phạm vi cả nước.

2. Sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính cần đạt được các tiêu chuẩn như được nêu ở phần I của Phụ lục.

3. Phạm vi áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp sau:

- Doanh nghiệp được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính là Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam.

- Các doanh nghiệp được phân công phối hợp tham gia để sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính là các doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... (kể cả cung cấp cho các nhà sản xuất bán thành phẩm, chi tiết, bộ phận...) dùng cho sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính và được Bộ công nghiệp xác nhận.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Các điều kiện để được áp dụng chính sách hỗ trợ:

a. Đối với doanh nghiệp chủ trì triển khai dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính: Đạt được các tiêu chuẩn nêu tại phần II của Phụ lục.

b. Đối với doanh nghiệp được phân công phối hợp tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính: Đạt được tiêu chuẩn nêu tại phần III của Phụ lục.

2. Những nội dung ưu đãi cụ thể và thời hạn ưu đãi:

a. Những nội dung ưu đãi cụ thể:

Các chính sách ưu đãi về thuế và chính sách tài chính khác đối với sản phẩm trọng điểm máy vi tính thực hiện theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 86/2000/TT-BTC ngày 16 tháng 8 năm 2000 của Bộ Tài chính, được hưởng hệ số ưu tiên là 0,5 để tính thuế nhập khẩu.

b. Thời hạn ưu đãi:

- Đối với doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án: Với dự án đã được phê duyệt và đang thực hiện trước thời điểm có hiệu lực của Quyết định số 19/2001/QĐ-TTg thì thời điểm bắt đầu được ưu đãi được tính từ thời điểm Quyết định số 19/2001/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành. Với dự án chưa được phê duyệt, thời điểm ưu đãi sẽ được tính từ khi bắt đầu triển khai dự án sau khi đã có Quyết định phê duyệt.

- Đối với doanh nghiệp được phân công phối hợp tham gia dự án: Thời điểm ưu đãi sẽ được tính từ khi bắt đầu cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng... cho doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án. Riêng đối với các nhà cung cấp cần đầu tư mới và mở rộng sản xuất, thời điểm bắt đầu được hưởng ưu đãi sẽ được tính từ khi bắt đầu triển khai dự án sau khi đã có Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và dự án đã được doanh nghiệp chủ trì thực hiện và Bộ công nghiệp xác nhận là phù hợp với việc phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính.

3. Theo dõi và quyết toán:

a. Theo dõi và quyết toán hàng hoá nhập khẩu:

- Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng: Được theo dõi và quyết toán theo kết quả thực hiện dự án hàng năm trên cơ sở các danh mục đã được duyệt.

- Đối với nguyên vật liệu và phụ tùng: Việc theo dõi và quyết toán được thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 176/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25 tháng 12 năm 1998 và được bổ sung, sửa đổi tại Thông tư liên tịch số 120/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan.

b. Theo dõi và quyết toán đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai thuế thu nhập hàng năm từ hoạt động sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng để sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính. Trên cơ sở đó, Cục Thuế địa phương sẽ xem xét các điều kiện cụ thể và quyết định số thuế thu nhập được miễn giảm vào thời hạn cuối cùng là ngày 31 tháng 3 của năm sau.

4. Tổ chức thực hiện:

a. Doanh nghiệp chủ trì triển khai dự án có trách nhiệm:

- Lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện dự án theo kế hoạch và tiến độ đã trình bày trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt.

- Xem xét, lựa chọn, thẩm định năng lực của các đối tác trong việc cung cấp vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng cho sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm máy vi tính trên cơ sở tạo điều kiện để xắp xếp lại sản xuất của ngành công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn cả nước.

[...]