Thông tư 04/1999/TT-BTC hướng dẫn đăng ký hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 04/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 12/01/1999
Ngày có hiệu lực 27/01/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 04/1999/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN TRONG CÁC TỔ CHỨC KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

Căn cứ Nghị định số 178CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về "nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài Chính";
Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 29/01/1994 của Chính phủ "Quy chế về Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân";
Căn cứ thông tư số 22TC/CĐKT ngày 19/03/1994 của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn thực hiện Quy chế về Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân, ban hành kèm theo Nghị định số 07/CP ngày 29/01/1994 của Chính phủ".
Bộ Tài chính quy đinh và hướng dẫn việc đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên có đủ quyền ký báo báo kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động tại Việt Nam, như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Kiểm toán viên hoạt động nghề nghiệp kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký hành nghề kiểm toán tại Bộ Tài chính.

2- Kiểm toán viên xin đăng ký hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập phải có đủ các tiêu chuẩn của kiểm toán viên quy định tại Điều 9, 10, 12 trong Quy chế về Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân và Điểm 8, 9 - Phần II trong Thông tư Hướng dẫn thực hiện Quy chế về Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân.

3- Kiểm toán viên chỉ được phép hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập với tư cách kiểm toán viên chuyên nghiệp sau khi nhận được Giấy phép hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính Việt Nam cấp. Kiểm toán viên chuyên nghiệp hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập và kiểm toán viên có đủ quyền ký báo cáo kiểm toán.

Các tổ chức kiểm toán độc lập không được sử dụng các nhân viên kiểm toán không có Giấy phép hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp với tư cách kiểm toán viên chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán.

4- Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, kiểm toán viên phải xuất trình Giấy phép hành nghề kiểm toán. Khi ký xác nhận báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải ghi rõ họ, tên và số đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp.

5- Kiểm toán viên phải nộp lại Giấy phép hành nghề kiểm toán trong những trường hợp: Thôi hành nghề kiểm toán (bỏ nghề, chuyển công tác khác,...), hoặc bị tước quyền hành nghề kiểm toán do vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp.

Trường hợp cần thiết, khi có đủ căn cứ pháp lý (liên quan đến việc chấp hành các quy định tại điểm 6 của Thông tư này), Bộ Tài chính chủ động ra Thông báo thu hồi Giấy phép hành nghề kiểm toán, xoá tên kiểm toán viên trong danh sách kiểm toán viên và gửi thông báo về việc thu hồi Giấy phép hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán để thi hành.

6- Kiểm toán viên không thực hiện đúng quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán, hoặc hành nghề kiểm toán không có Giấy phép hành nghề kiểm toán, tổ chức kiểm toán độc lập sử dụng kiểm toán viên không có Giấy phép hành nghề kiểm toán sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn thi hành (Lệnh số 41-L/CTN ngày 19/07/1995 của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

7- Bộ Tài chính là cơ quan quản lý danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập; thực hiện việc cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề kiểm toán; kiểm tra việc hành nghề theo Giấy phép hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên; xử lý vi phạm về đăng ký và sử dụng Giấy phép hành nghề kiểm toán.

II - NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1- Điều kiện đăng ký và xin cấp Giấy phép hành nghề kiểm toán

Kiểm toán viên được đăng ký xin cấp Giấy phép hành nghề kiểm toán là những người có đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân cụ thể như sau:

1.1- Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên là người Việt Nam:

- Có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất trung thực, liêm khiết, nắm vững luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính, chế độ kế toán, thống kê hiện hành, chưa có tiến án, tiền sự, chưa bị kỷ luật trong hoạt động nghề nghiệp kiểm toán, kế toán.

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trung học chuyên ngành tài chính, kế toán; Đã làm công tác tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên nếu tốt nghiệp đại học, hoặc 10 năm trở lên nếu tốt nghiệp trung học.

- Có chứng chỉ kiểm toán viên, hoặc Giấy chứng nhận trúng tuyển do Bộ Tài chính cấp.

- Được tuyển dụng vào làm việc tại một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.

1.2- Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên là người nước ngoài:

- Được phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên.

- Chưa bị kỷ luật trong hoạt động nghề nghiệp kiểm toán, kế toán của nước sở tại.

- Có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp, hoặc bởi một tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài cấp và được Bộ Tài chính Việt Nam thẩm định, thừa nhận.

- Có những hiểu biết cần thiết về luật pháp kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Trường hợp kiểm toán viên có bằng (hoặc) chứng chỉ kiểm toán không phải do Bộ Tài chính Việt Nam cấp thì phải tham dự và đạt kết quả kỳ thi sát hạch kiến thức về luật pháp kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán của Việt Nam do Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức. Ngôn ngữ sử dụng trong kỳ thi là tiếng Việt Nam, hoặc tiếng nước ngoài thông dụng.

- Được tuyển dụng vào làm việc trong một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.

[...]