Nghị định 01-CP năm 1977 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 01-CP
Ngày ban hành 03/01/1977
Ngày có hiệu lực 18/01/1977
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Nguyễn Duy Trinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 01-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1977

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA  ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng chính phủ  ngày 14-7-1960.
Căn cứ vào bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng chính phủ ban hành theo Nghị định số 172-CP ngày 01-11-1973 của Hội đồng chính phủ.
Căn cứ vào Nghị quyết số 164-CP và Nghị định số 165-CP ngày 31-8-1970 của Hội đồng chính phủ về tăng cường công tác thanh tra và qui định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Điều 2. Những văn bản quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ căn cứ vào bản điều lệ này để quy định cụ thể nhiệm vụ và tổ chức các đơn vị thuộc Ủy ban, các tổ chức thanh tra ở các ngành, các cấp và hướng dẫn thực hiện.

Điều 4. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 1. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng chính phủ, có trách nhiệm thay mặt Hội đồng chính phủ thanh tra một cách thường xuyên, kịp thời, chính xác việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước, chủ yếu về mặt kinh tế, và chỉ đạo hướng dẫn công tác thanh tra của Nhà nước và công tác thanh tra nhân dân của các ngành; các cấp nhằm bảo đảm chấp hành đầy đủ các chủ trương chính sách, góp phần giữ gìn kỷ luật, cải tiến tổ chức, đồng thời giúp cơ quan lãnh đạo kiểm tra lại sự đúng đắn của bản thân các chủ trương, chính sách đó.

Điều 2 Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có các nhiệm vụ cụ thể:

a) Thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước một cách có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

b) Nắm vững những trọng tâm và yêu cầu chính của từng mặt công tác của Nhà nước, của từng ngành, từng địa phương, trong thời gian để tiến hành thanh tra việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đến nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, nhằm góp phần làm cho các chủ trương, chính sách đó được chấp hành đúng đắn, đồng thời góp phần đấu tranh chống các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí trong bộ máy Nhà nước.

c) Hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra cho thủ trưởng các ngành, các cấp và cho các cơ quan thanh tra của Nhà nước và thanh tra nhân dân.

Đào tạo, bồi dưỡng đào tạo cán bộ làm công tác thanh tra cho các ngành, các cấp.

d) Hướng dẫn, đôn đốc và thanh tra thủ trưởng các ngành, các cấp làm đúng trách nhiệm trong việc xét, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời tự mình xét, giải quyết các đơn khiếu tố trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ, nhằm bảo đảm quyền làm chủ tập thể và những quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Chương 2:

QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN THANH TRA CỦA CHÍNH PHỦ VÀ MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 3. Căn cứ vào chủ trương chung của Hội đồng chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được quyền :

a) Quyết định tổ chức các cuộc thanh tra và cử các đoàn hoặc phái viên thanh tra đến các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở để thanh tra theo nhiệm vụ đã quy định; yêu cầu các ngành liên quan cử cán bộ tham gia các cuộc thanh tra của Ủy ban, số cán bộ này chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ trong thời gian thanh tra.

b) Triệu tập các cuộc hội nghị bàn về công tác thanh tra, thành phần được triệu tập từ cấp thứ trưởng và phó chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở xuống.

Cử đại diện tham dự những hội nghị có liên quan đến công tác thanh tra của các ngành, các cấp.

[...]