Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 03-NN/CV/CN-1978 hướng dẫn sử dụng 10% - 15% đất cho chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 03-NN/CV/CN
Ngày ban hành 03/07/1978
Ngày có hiệu lực 18/07/1978
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp
Người ký Nguyễn Ngọc Trìu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-NN/CV/CN

Hà Nội , ngày 03 tháng 07 năm 1978 

 

HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG 10%-15% ĐẤT CHO CHĂN NUÔI

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ hai đã nêu rõ: “Ngoài việc hướng dẫn nông dân sử dụng tốt đất kinh tế phụ gia đình để sản xuất thức ăn gia súc, phải kiên quyết dành 10-15% diện tích trồng trọt của các hợp tác xã để sản xuất thức ăn gia súc và hình thành ở từng tỉnh, từng huyện những vùng chuyên sản xuất thức ăn gia súc”. Tiếp đó Thủ tướng Chính phủ đã có Thông tư số 291-TTg ngày 19-05-1978 về việc dành từ 10 đến 15% đất để sản xuất thức ăn, phát triển chăn nuôi trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện tốt chủ trương này, Bộ hướng dẫn các địa phương một số vấn đề sau đây.

I. VẤN ĐỀ DÀNH ĐẤT

Dành từ 10 đến 15% đất sản xuất thức ăn chủ yếu là để phát triển chăn nuôi tập thể, tăng cường kinh tế hợp tác xã. Tỷ lệ này tính theo diện tích canh tác của từng huyện. Huyện căn cứ vào yêu cầu phân bón, trình độ và khả năng chăn nuôi của từng hợp tác xã mà quy định cụ thể tỷ lệ dành đất cho hợp lý.

Những hợp tác xã có kinh nghiệm chăn nuôi tốt, có thể dành trên 15%. Những hợp tác xã yếu kém, chăn nuôi tập thể còn ít hoặc chưa chăn nuôi thì dành đất ít hơn. Nhưng tính chung trên địa bàn huyện phải phấn đấu dành từ 10 đến 15% đất cho chăn nuôi.

Dành từ 10 đến 15% đất sản xuất thức ăn cho chăn nuôi tập thể bao gồm chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu bò, gia cầm, cá và dành một phần hỗ trợ chăn nuôi gia đình. Tùy theo phương hướng sản xuất kinh doanh của từng hợp tác xã, ở từng vùng khác nhau mà tỷ lệ dành đất để sản xuất thức ăn cho từng loại gia súc khác nhau, hợp tác xã được phân công chuyên nuôi loại gia súc nào thì tập trung đất để sản xuất thức ăn cho loại gia súc đó. Nhìn chung hướng kinh doanh của các hợp tác xã vùng đồng bằng hiện nay chủ yếu là chăn nuôi lợn và gia cầm, các hợp tác xã ở miền núi và vùng bán sơn địa cầu cần chú ý phát triển chăn nuôi trâu bò.

Hiện nay nhiều nơi chăn nuôi tập thể còn yếu, việc quản lý, chế biến, sử dụng thức ăn còn tùy tiện, cơ sở chuồng trại và giống gia súc còn thiếu, vì vậy việc dành đất cần được thực hiện từng bước, nhưng cũng không vì thế mà dè dặt. Phải bằng mọi cách tổ chức quản lý sử dụng tố diện tích này để tạo thế cho chăn nuôi từng bước phát triển vững chắc.

Phấn đấu đến năm 1980 các huyện đồng bằng, trung du dành 15% đất, vùng núi dành 10%, vùng thâm canh lúa dành từ 18 đến 20%, vùng thực phẩm có thể dành từ 30 đến 40% đất cho chăn nuôi.

II. TỔ CHỨC SẢN XUẤT

Tổ chức sản xuất thức ăn là một vấn đề quan trọng. Tổ chức sản xuất tốt sẽ nâng cao sản lượng và chất lượng thức ăn, bảo đảm tính chất tương đối độc lập của ngành chăn nuôi. Có thể tổ chức sản xuất thức ăn theo các hình thức sau đây:

1. Dành diện tích và lao động tổ chức đội chuyên sản xuất thức ăn trong phạm vi từng hợp tác xã.

Từng hợp tác xã dành diện tích, cắt lao động thành lập đội chuyên sản xuất thức ăn. Đội chuyên này hợp đồng chặt chẽ với đội chăn nuôi và các đội chuyên khác để bố trí thời vụ gieo trồng, thời gian thu hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với kế hoạch chăn nuôi, dưới sự điều hành chung của ban quản trị hợp tác xã. Hình thức tổ chức đội chuyên có thể lấy lao động ở nhiều đội hoặc cắt hộ theo chóm xóm. Toàn bộ sản phẩm của đội chuyên này do đội chăn nuôi quản lý sử dụng. Lao động trong đội chuyên được phân phối sản phẩm giống như lao động ở các đội chuyên khác. Đây là hình thức tổ chức sản xuất thức ăn chủ yếu làm phổ biến trong các hợp tác xã.

2. Tổ chức hợp tác xã chuyên sản xuất thức ăn trong cụm.

Trên địa bàn huyện hiện nay hình thành những cụm kinh tế kỹ thuật gồm từ 6 đến 10 hợp tác xã với diện tích canh tác khoảng từ 2 đến 3 ngàn hécta, diện tích dành cho chăn nuôi có từ 300 đến 500 hécta. Dưới sự điều hành và phân công của huyện, các hợp tác xã hợp đồng giao cho từ một đến hai hợp tác xã có điều kiện thuận lợi chuyên trồng thức ăn. Tại đây sẽ xây dựng cơ sở chế biến thức ăn. Số thức ăn sau khi được chế biến sẽ phân phối cho các hợp tác xã trong cụm để chăn nuôi. Phần lương thực bán cho Nhà nước theo kế hoạch, các hợp tác xã khác trong cụm phải làm thay. Làm theo cách này là thể hiện sự phân công và hợp tác trong sản xuất.

3. Tổ chức vùng chuyên canh sản xuất thức ăn.

Trên phạm vi huyện, tỉnh, có những vùng đất thích hợp với việc trồng thức ăn gia súc, như vùng màu, vùng bãi ven sông. Tỉnh, huyện có thể quy hoạch phân công những hợp tác xã nằm trong vùng này chuyên canh cây thức ăn gia súc. Sản phẩm làm ra ở vùng này được chế biến thành thức ăn phân phối lại cho các hợp tác xã để chăn nuôi. Huyện và tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều hành thức ăn, kế hoạch sản xuất lương thực, bảo đảm lương thực cho người, lương thực bán cho Nhà nước và thức ăn cho gia súc.

Mặt khác phải đảm bảo đường lối chính sách, sự công bằng hợp lý giữa các hợp tác xã. Tổ chức sản xuất theo hình thức này là thể hiện sự tập trung, phân công và chuyên môn hóa cao để xây dựng vùng chuyên canh cây thức ăn gia súc, tiền đề của ngành chăn nuôi quy mô lớn. Tuy thế với trình độ quản lý của các hợp tác xã hiện nay, hai hình thức tổ chức hợp tác xã chuyên sản xuất thức ăn và xây dựng vùng chuyên canh chỉ nên làm thí điểm ở một số huyện có điều kiện để rút kinh nghiệm mở rộng vào các năm sau.

4. Trích sản lượng lương thực để chăn nuôi.

Trong vụ sản xuất đầu, khi chưa tổ chức được đội chuyên có thể tạm thời trích sản lượng lương thực làm thức ăn cho chăn nuôi. Sau khi đã trừ diện tích trồng rau, hợp tác xã căn cứ vào sản lượng lương thực thu được trích theo tỷ lệ diện tích còn lại, giao cho đội chăn nuôi quản lý. Đội chăn nuôi có tổ chức kho riêng để quản lý sử dụng

5. Đối với các tỉnh phía Nam.

Ở các tỉnh phía Nam nơi nào có hợp tác xã và các tổ chức làm ăn tập thể, cần dành đất, lao động để tổ chức sản xuất thức ăn theo những hình thức trên. Trong điều kiện chưa có hợp tác xã, khi tiến hành quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tỉnh và huyện cần chú ý hình thành những vùng chuyên canh sản xuất thức ăn để cung cấp nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, tạo tiền đề cho những vùng chăn nuôi lớn sau này.

III. SỬ DỤNG ĐẤT DÀNH CHO CHĂN NUÔI

Đất dành để chăn nuôi phải được sử dụng tốt, phấn đấu đạt yêu cầu: khối lượng thức ăn nhiều, chất lượng thức ăn tốt, phù hợp với chăn nuôi, có tác dụng bồi dưỡng và cải tạo đất. Để đạt được yêu cầu trên, đất dành trồng thức ăn nên tập trung thành vùng, có điều kiện tưới tiêu nước, đất trồng màu có điều kiện thâm canh tăng vụ. Đối với các tỉnh miền núi và trung du ruộng ít, có thể sử dụng một nửa là đất đồi để sản xuất thức ăn, bảo đảm lương thực cho người và thức ăn gia súc. Vùng đồng bằng sản xuất thức ăn chủ yếu là để chăn nuôi lợn và gia cầm, nhưng ở những nơi trâu bò cày thiếu thức ăn, cũng cần dành một ít diện tích trồng cỏ thâm canh nuôi trâu bò. Tùy theo điều kiện bãi chăn thả và khả năng tận dụng cỏ tự nhiên, mà huyện quy định mức cụ thể diện tích cho một trâu bò; nói chung một trâu bò không quá 360m2 . Các huyện miền núi và bán sơn địa chăn nuôi trâu bò đàn thì chủ yếu trồng thức ăn cho trâu bò, nhưng những vùng thấp vẫn phải trồng thức ăn để chăn nuôi lợn và gia cầm tập thể. Trên diện tích dành cho chăn nuôi phải phấn đấu đạt mục tiêu: trên 1 hécta canh tác trong một năm sản xuất thức ăn tinh phải đạt từ 6 đến 10 tấn (quy ra bột khô),. Trồng rau xanh 1 hécta phải đạt từ 100 đến 200 tấn. Trồng đậu đỏ 1 hécta đạt từ 2,5 đến 3 tấn. Nếu trồng cỏ phải đạt từ 80 đến 100 tấn/hécta. Để bảo đảm mục tiêu trên, từng vùng phải lựa chọn một tập đoàn cây thức ăn thích hợp và bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Trong việc bố trí cơ cấu cây trồng trên đất chăn nuôi cần chú ý:

- Hiện nay nhiều nơi còn sử dụng thức ăn tinh chủ yếu là thóc mà thóc là lương thực quý. Ở những vùng có điều kiện trồng màu cần phát triển hoa màu thay cho thóc làm thức ăn gia súc, như ngô, cao lương, các loại khoai sắn. Phát triển màu thành  những vùng chuyên canh lớn gắn liền với các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Những vùng chuyên canh lúa có năng suất cao thì tiếp tục sản xuất lúa để đổi cho ngành lương thực lấy màu chăn nuôi.

- Rau xanh hiện nay sử dụng để chăn nuôi chủ yếu là rau trồng ruộng nước. Phải chú ý phát triển rau trên cạn, các loại cỏ hòa thảo, cây họ đậu ở vùng núi và trung du để có thể nâng cao năng suất và chất lượng thức ăn.

- Thức ăn giàu đạm cần với số lượng ít, nhưng rất quyết định trong thâm canh chăn nuôi nhất là trong điều kiện nuôi dưỡng các giống gia súc cao sản. Ngoài việc trồng các cây họ đậu thu hạt, có thể trồng các cây họ đậu thu hoạch thân, lá như Stylo, đậu hồng đáo. Thân, lá cho gia súc ăn ở dạng xanh tươi hoặc bột khô, Mặt khác phải chú ý nuôi thả cá, tận dụng các nguồn hải sản chế biến thành thức ăn bổ sung đạm cho gia súc.

IV. TỔ CHỨC CHẾ BIẾN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THỨC ĂN

[...]