Thông tư 03/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 41/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 03/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 12/01/2010
Ngày có hiệu lực 26/02/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Bảo hiểm,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 03/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2009/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi tắt là “Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính”);
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là “Nghị định 41/2009/NĐ-CP”).

Điều 2. Các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xác định đối tượng bị xử phạt

1. Trường hợp Nghị định 41/2009/NĐ-CP quy định đối tượng bị xử phạt là tổ chức thì đối tượng bị xem xét, áp dụng các hình thức xử phạt là tổ chức; quy định đối tượng bị xử phạt là cá nhân thì đối tượng bị xem xét, áp dụng các hình thức xử phạt là cá nhân;

2. Trường hợp Nghị định 41/2009/NĐ-CP quy định đối tượng bị xử phạt là tổ chức hoặc cá nhân thì đối tượng chính bị xem xét, áp dụng các hình thức xử phạt trước tiên là tổ chức. Các cá nhân có liên quan chỉ bị xem xét, áp dụng các hình thức xử phạt khi:

a) Hành vi vi phạm hành chính là lỗi trực tiếp của cá nhân hoặc do cá nhân là người trực tiếp đưa ra quyết định;

b) Hành vi vi phạm hành chính do cá nhân không tuân thủ các quy định của pháp luật, các quy định quản lý nội bộ của tổ chức, chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo cấp trên.

Điều 4. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong xử phạt

Đối với hành vi vi phạm áp dụng khung mức phạt hoặc khung thời gian áp dụng hình phạt bổ sung, người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành để quyết định mức phạt hoặc thời gian phạt cụ thể.

Phần II

HÀNH VI VI PHẠM

Điều 5. Một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 41/2009/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Điểm b, khoản 3, Điều 12 Nghị định 41/2009/NĐ-CP: “Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên” là giao dịch làm thay đổi từ 10% vốn điều lệ thực góp trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2. Điểm a, điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 41/2009/NĐ-CP: “Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm” và "Thông tin làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bảo hiểm khác”, là việc:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đã được quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thông tin, quảng cáo sai sự thật về điều kiện bảo hiểm quy định tại quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn (hoặc đã được doanh nghiệp bảo hiểm đăng ký, báo cáo với Bộ Tài chính);

c) Doanh nghiệp bảo hiểm có thông tin làm ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, bao gồm cả các thông tin ảnh hưởng đến uy tín, thông tin dẫn đến sự hiểu nhầm của khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm khác từ đó tác động không tốt đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Các thông tin, quảng cáo nêu trên có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: thông tin, quảng cáo chính thức trên văn bản, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang điện tử và các hình thức khác.

3. Điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 41/2009/NĐ-CP: “Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác”, là việc doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa để khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm khác huỷ, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm này.

4. Điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 41/2009/NĐ-CP: “Không công khai và minh bạch trong bán hàng làm cho khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp”, là việc:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp đầy đủ thông tin về quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép triển khai, thông tin về hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa doanh nghiệp và khách hàng, các thông tin khác liên quan tới quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

b) Doanh nghiệp bảo hiểm không tuân thủ các quy định khác về công khai và minh bạch trong bán hàng theo quy định của pháp luật.

5. Điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 41/2009/NĐ-CP:“Phân biệt đối xử về điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm giữa các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro”, là việc doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng mức phí hoặc điều kiện bảo hiểm khác nhau cho các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro.

[...]