Thông tư 02-BYT-TT năm 1957 về việc nghiên cứu Đông y do Bộ Y Tế ban hành.
Số hiệu | 02-BYT-TT |
Ngày ban hành | 17/01/1957 |
Ngày có hiệu lực | 01/02/1957 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Hoàng Tích Trí |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-BYT-TT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 1957 |
Theo nghị định số 333-BYT-NĐ ngày 12/4/1956 Bộ đã thành lập Phòng nghiên cứu Đông y trong Vụ chữa bệnh, nay Bộ ra thông tư này để quy định thêm các chi tiết và nội dung công tác:
Là nền y học dân tộc có từ lâu, Đông y đã có nhiều thành tích trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, như non một thế kỷ nay, đã bị ảnh hưởng Tây y lấn át, cho nên việc nghiên cứu Đông y đặt ra không những là làm cho Đông y phục hồi mà còn làm cho nó tiến lên trình độ khoa học để phối hợp với Tây y mà phục vụ nhân dân.
Tuy nó đang trong hoàn cảnh lu mờ, nhưng nó vẫn tiềm tàng khắp nơi và vẫn được nhân dân tin dùng, nhất là ở nông thôn, nhưng vì thiếu sự nghiên cứu hướng dẫn nên có tình trạng đồng bào đổ xô đến các tỉnh lỵ tìm thầy thuốc. Việc nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết một số khó khăn cho nhân dân và các cơ quan điều trị.
Vốn kinh nghiệm cổ truyền còn lại và những sản phẩm sẵn có trên đất nước ta là một đảm bảo cho việc nghiên cứu thành công. Việc nghiên cứu Đông y của Trung Quốc đang tiến hành rộng rãi và đã thu được những kết qủa tốt càng làm cho ta thêm phấn khởi và tin tưởng.
Gọi là Đông y, cụ thể là Trung y và Nam y kết hợp. Nội dung nghiên cứu có các mặt:
1. Phương pháp và kinh nghiệm định bệnh.
2. Phương pháp và kinh nghiệm chữa bệnh.
3. Dược tính (nội dung dược tính bảo tồn sự khảo cứu dược liệu).
4. Khoa châm cứu, xông, hơ, dán, thoa, nắn, sửa chữa sai gẫy xương.
5. Vấn đề phòng bệnh và bồi dưỡng sức lao động theo phương pháp Đông y (chú ý hướng dẫn cách dùng thực phẩm sẵn có, có lợi cho cơ thể để đủ sức chế ngự việc nhiễm bệnh).
Quá trình nghiên cứu sản xuất dựa vào tập thể, dùng thực tiễn đối chiếu với Tây y, trên cơ sở xác nhận cái cũ mà phát triển thành cái mới. Vận dụng thí điểm trước để rút kinh nghiệm.
Hướng nghiên cứu sẽ đi vào từng khoa nội thương hay ngoại thương và đi vào từng loại với sự tập trung lực lượng để đạt kết qủa từng bước, có trọng tâm.
(Tập trung lực lượng có ý nghĩa là vận dụng các cơ sở cùng nghiên cứu một vấn đề, tránh nghiên cứu nhiều vấn đề một lúc).
Riêng về vấn đề dược tính cần chú trọng đến dược liệu trong nước và các nước lân cận để tiến lên có những sản phẩm dồi dào và phù hợp với cơ thể người bản địa.
Phòng nghiên cứu Đông y bước đầu thành lập có nhiệm vụ giúp Bộ:
- Xây dựng và cử các vị lương y vào cơ sở Đông y ở các cơ quan điều trị, và hướng dẫn các cơ sở đó tiến hành công tác.
- Sưu tầm tài liệu, trích, dịch, phổ biến cho cơ sở nghiên cứu hoặc ngoài nhân dân.
- Tham gia hướng dẫn ở các lớp đào tạo cán bộ chuyên môn khi có ý kiến của Bộ.
- Nghiên cứu các đơn thuốc các nơi gửi đến để rút kinh nghiệm hoặc bổ cứu kinh nghiệm đồng thời hướng dẫn cách dùng các đơn thuốc.
- Liên lạc mật thiết với các tổ chức nghiên cứu Đông y của nhân dân.
- Giúp đỡ chẩn trị một số bệnh cho cán bộ hoặc nhân dân.