Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 02/2010/TT-TTCP quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 02/2010/TT-TTCP
Ngày ban hành 02/03/2010
Ngày có hiệu lực 15/04/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Trần Văn Truyền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2010/TT-TTCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH TIẾN HÀNH MỘT CUỘC THANH TRA

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 65/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ,
Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục và nội dung tiến hành một cuộc thanh tra, bao gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, đoàn thanh tra do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Chương 2.

QUY TRÌNH TIẾN HÀNH MỘT CUỘC THANH TRA

MỤC 1. CHUẨN BỊ THANH TRA

Điều 3. Khảo sát, nắm tình hình để quyết định thanh tra

1. Trước khi ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc khảo sát, nắm tình hình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra (sau đây gọi là đối tượng thanh tra).

2. Người được giao khảo sát, nắm tình hình có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin thu nhận được, lập báo cáo gửi người giao nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình. Báo cáo gồm các nội dung sau:

a) Khái quát chung về mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra;

b) Kết quả khảo sát, nắm tình hình theo từng nội dung: Hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của đối tượng thanh tra; các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan chức năng và hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát của đối tượng thanh tra; các thông tin liên quan đến các mối quan hệ chủ yếu gắn với tổ chức hoạt động của đối tượng thanh tra và các thông tin liên quan đến những nội dung dự kiến thanh tra;

c) Nhận định những vấn đề nổi cộm, có dấu hiệu sai phạm, đề xuất những nội dung cần thanh tra và cách thức tổ chức thực hiện.

3. Thời gian khảo sát, nắm tình hình do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước quyết định nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày giao nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình.

Điều 4. Ra quyết định thanh tra

1. Căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, nắm tình hình (nếu có) và chương trình, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước quyết định thanh tra và giao nhiệm vụ cho cá nhân, đơn vị chuyên môn của mình soạn thảo quyết định thanh tra.

2. Nội dung quyết định thanh tra được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 37 Luật Thanh tra, gồm các nội dung sau:

a) Căn cứ pháp lý để thanh tra;

b) Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra;

c) Thời hạn tiến hành thanh tra;

d) Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra;

e) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra (nếu có).

3. Thứ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ký quyết định thanh tra và chỉ đạo ban hành quyết định thanh tra trong thời hạn quy định của pháp luật.

[...]