Thông tư 01/2015/TT-CA quy định về Quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/2015/TT-CA
Ngày ban hành 08/10/2015
Ngày có hiệu lực 26/11/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2015/TT-CA

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CÁC TỔ THẨM PHÁN TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC PHÁ SẢN

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

Căn cứ vào Luật phá sản số 51/2014/QH13;

Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, cơ chế phối hợp của Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Điều 2. Thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật phá sản được thành lập ở Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện), Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) để giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2. Trong thời hạn giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm quyền thành lập Tổ Thẩm phán được xác định như sau:

a) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện căn cứ vào tính chất của vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật phá sản quyết định thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tính chất của vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản quyết định thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn khi thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản.

3. Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm của Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc phá sản phải ban hành quyết định thành lập Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán và giao cho một Thẩm phán làm Tổ trưởng.

4. Việc thay đổi, bổ sung Thẩm phán để thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Thẩm phán không tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ của mình vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, chuyển công tác, chưa được bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác hoặc thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật phá sản, thì việc thay đổi Thẩm phán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật phá sản;

b) Trường hợp Thẩm phán đang giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhận thấy vụ việc phá sản thuộc trường hợp phải thành lập Tổ Thẩm phán được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này thì báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân phân công bổ sung hai Thẩm phán để thành lập Tổ Thẩm phán;

c) Trường hợp Tổ Thẩm phán đang giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Tổ trưởng Tổ Thẩm phán nhận thấy vụ việc phá sản không thuộc trường hợp phải thành lập Tổ Thẩm phán được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này mà chỉ cần một Thẩm phán giải quyết thì Tổ trưởng Tổ Thẩm phán báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân để xem xét, quyết định việc phân công một Thẩm phán giải quyết thay cho Tổ Thẩm phán.

5. Việc thay đổi, bổ sung Thẩm phán phải được xem xét, quyết định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, đề nghị và phải được gửi ngay cho người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản.

Điều 3. Thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân cấp huyện được thành lập ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập ở Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật phá sản.

2. Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp huyện được thành lập ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập ở Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ quy định tại khoản 1 Điều 112 của Luật phá sản.

3. Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải ban hành quyết định thành lập Tổ thẩm phán gồm 03 Thẩm phán và giao cho một Thẩm phán làm Tổ trưởng.

4. Việc thay đổi Thẩm phán để thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Tổ thẩm phán giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được thực hiện như sau:

[...]