Thông tư 01/2013/TT-TTCP quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/2013/TT-TTCP
Ngày ban hành 12/03/2013
Ngày có hiệu lực 01/05/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2013/TT-TTCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Thanh tra Chính phủ quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trình tự, hình thức, nội dung để tiến hành hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này được áp dụng đối với cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Công chức, Thanh tra viên hoặc Tổ công tác của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 3. Mục đích theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

1. Theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhằm thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhằm nhắc nhở hoặc đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhằm phát hiện, xử lý hành vi không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đảm bảo kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và công tác quản lý nhà nước về thanh tra.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. “Người được giao nhiệm vụ theo dõi” là công chức, Thanh tra viên hoặc Tổ công tác của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. “Người được giao nhiệm vụ đôn đốc” là công chức, Thanh tra viên hoặc Tổ công tác của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được giao nhiệm vụ đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

3. “Người được giao nhiệm vụ kiểm tra” là công chức, Thanh tra viên hoặc Tổ công tác của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được giao nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

4. “Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra” là các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 5. Nguyên tắc chung

1. Hoạt động theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

3. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được tiến hành đối với từng vụ việc hoặc đồng thời nhiều vụ việc tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

4. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trong phạm vi chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định.

Chương 2.

[...]