Thông tư 01/1998/TT-BVCSTE hướng dẫn hoạt động của Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp thực hiện Chỉ thị 06/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động do Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/1998/TT-BVCSTE
Ngày ban hành 07/03/1998
Ngày có hiệu lực 22/03/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam
Người ký Trần Thị Thanh Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1998/TT-BVCSTE

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM SỐ 01/1998/TT-BVCSTE NGÀY 7 THÁNG 3 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM CÁC CẤP THỰC HIỆN CHỈ THỊ 06/1998/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ "VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM, NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM LANG THANG, TRẺ EM BỊ LẠM DỤNG SỨC LAO ĐỘNG".

Thực hiện Chỉ thị số 06/1998/CT-TTg ngày 31/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ "về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động" là một bộ phận trong chiến lược phòng chống sự xâm hại của các tệ nạn xã hội đối với trẻ em và Chương trình hành động bảo vệ đặc biệt trẻ em. Để đạt được yêu cầu, mục tiêu Chỉ thị đã đề ra, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam hướng dẫn Uỷ ban Bảo vệ và chăn sóc trẻ em các cấp tổ chức các hoạt động phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai thực hiện tốt những nội dung sau đây:

I. CÁC HOẠT ĐỘNG Ở TRUNG ƯƠNG

1. Truyền thông - Vận động xã hội:

- Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Bộ: VHTT; Tư pháp; LĐTBXH; GD-ĐT xây dựng chiến lược truyền thông vận động xã hội về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tổ chức hướng dẫn các Đài địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

- Phối hợp tổ chức thực hiện để mở thêm các chuyên mục nhằm hướng dẫn, giáo dục kiến thức về luật pháp và chính sách, về tư pháp vị thành niên, đặc biệt khuyến khích mở rộng chuyên đề "Gia đình với công dân nhỏ tuổi", đề cao vai trò của gia đình và cộng đồng trong công tác và bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

- Tuyên truyền thường xuyên, định kỳ các điển hình tập thể, các gia đình, cá nhân có thành tích trong cuộc vận động "Toàn dân chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em", "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", biểu dương những người yêu trẻ, những hình thức tổ chức hoạt động có hiệu quả giải quyết tốt việc dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em thất học, trẻ em lang thang, vận động đưa trẻ em về gia đình, địa phương v. v... phê phán những hành vi vi phạm quyền trẻ em.

- Biên soạn, in ấn tài liệu, phân tích, hướng dẫn giáo dục gia đình đề cao trách nhiệm, biết cách phòng ngừa và tự bảo vệ trẻ em, nhằm hạn chế việc các gia đình cho trẻ em đi lang thang, đi làm thuê kiếm sống ở các thành phố, thị trấn... phục vụ cho công tác truyền thông vận động xã hội tại địa phương.

- Phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể: Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sơ kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng và mở rộng cuộc vận động "Người lớn gương mẫu - Trẻ em chăm ngoan" tạo thành phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Riêng với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần gắn với chương trình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chương trình xoá đói giảm nghèo, vay vốn sản xuất, cam kết không để con, em đi lang thang; với Trung ương Đoàn Thanh niên gắn với việc nâng cao chất lượng, mở rộng các phong trào hoạt động của Đội ở trường tiểu học và xây dựng trẻ em nòng cốt, tích cực trên địa bàn dân cư.

2. Khảo sát điều tra thực trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

Chủ trì phối hợp với Bộ LĐTBXH, các viện, trung tâm nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch điều tra, đánh giá thực trạng tình hình trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động trong cả nước.

3. Xây dựng đề xuất chính sách

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và các Bộ, ngành hoàn thiện Chương trình hành động bảo vệ đặc biệt trẻ em, trình Thủ tướng Chính phủ (tháng 3 năm 1998) và xây dựng Pháp lệnh Bảo vệ đặc biệt trẻ em.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ và giúp đỡ trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

- Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Thể dục - Thể thao nghiên cứu, xây dựng chính sách, thể chế, tổ chức hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, phát triển thể chất lành mạnh cho trẻ em tại cộng đồng.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu chế độ học phí, chính sách khuyến học và kế hoạch vận động hỗ trợ để mở rộng các lớp học linh hoạt thích hợp đối với học sinh nghèo, đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và những vùng khó khăn.

- Chủ trì phối hợp nghiên cứu xác định vai trò của gia đình, cộng đồng trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đề xuất các chính sách nhằm bảo vệ, giúp đỡ cần thiết để gia đình đảm đương được trách nhiệm trước xã hội. Hoàn thành tháng 10/1998.

4. Xây dựng các đề án, kế hoạch và tổ chức thí điểm các mô hình hoạt động nhằm ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

- Phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng các đề án ngăn ngừa trẻ em lang thang và trẻ em bị lạm dụng sức lao động trong chương trình hành động bảo vệ đặc biệt trẻ em.

- Phối hợp với Bộ VHTT và Hội Đồng đội xây dựng các đề án về mô hình điểm văn hoá vui chơi cho trẻ em tại cộng đồng, về cơ sở tập luyện, vui chơi, bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ em. Chú ý ưu tiên cho các vùng khó khăn.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng đề án giải quyết tình trạng lưu ban, bỏ học, thất học của trẻ em. Phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ cho trẻ em đường phố, trẻ em làm trái pháp luật trong các trường giáo dưỡng.

- Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng đề án phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em làm trái pháp luật trong Chương trình phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên. Cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo và Uỷ ban Dân tộc miền núi xây dựng đề án giải quyết tình trạng trẻ em nghiện hút, bị lôi kéo vào việc mua bán, sử dụng các chất gây nghiện.

- Đúc kết rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng một số mô hình trong công tác ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng sức lao động như: Văn phòng tư vấn, Mái ấm, Lớp vừa học vừa làm, Giáo dục trẻ em chưa ngoan tại cộng đồng. Nhằm tạo ra một phong trào toàn dân bảo vệ đặc biệt trẻ em - xã hội hoá một bước công tác này. Bắt đầu khởi xướng trong tháng Hành động vì trẻ em.

5. Phát triển nhiều hình thức vận động cho Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Các nguồn lực huy động được từ Quỹ Bảo trợ trẻ em năm 1998 ngoài mục tiêu ưu tiên về trẻ em khuyến tật, trẻ em bị chất độc mầu da cam...... cần chú ý hỗ trợ một cách tập trung vào các xã nghèo có nhiều trẻ em đi lang thang và chưa được đến trường

6. Hợp tác Quốc tế:

- Phối hợp với Bộ ngoại giao, các Bộ có liên quan xây dựng kế hoạch hợp tác nhằm trao đổi thông tin kinh nghiệm đào tạo cán bộ xã hội giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

[...]