Thông tri 36/TT-MTTW-BTT năm 2019 về quy định, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 36/TT-MTTW-BTT
Ngày ban hành 06/05/2019
Ngày có hiệu lực 06/05/2019
Loại văn bản Thông tri
Cơ quan ban hành Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Hầu A Lềnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/TT-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2019

 

THÔNG TRI

QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP TIẾP CÔNG DÂN VÀ XỬ LÝ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA CÔNG DÂN

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

1.1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân chung tại địa phương.

Trường hợp công dân trực tiếp đến cơ quan Mặt trận Tổ quốc thì cử người tiếp công dân lắng nghe trình bày của người dân, giải thích, hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hoặc đến nơi tiếp công dân chung của địa phương để trình bày, gửi đơn.

1.2. Tổ chức việc tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung về một đầu mối và phải tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khách quan, chính xác, kịp thời.

1.3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc phân công lãnh đạo tham gia tiếp công dân; chỉ đạo theo dõi, nắm bắt tình hình tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp, xây dựng chương trình hoặc quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan cùng cấp về công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

1.4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bố trí người tiếp công dân phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ pháp lý nhất định.

2. Yêu cầu đối với người tiếp công dân, người xử lý đơn

2.1. Người tiếp công dân là người có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 34, Luật tiếp công dân. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức hoặc phù hiệu theo quy định; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe ý kiến trình bày của công dân.

Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì người tiếp công dân giải thích, vận động để công dân chấp hành nghiêm chỉnh kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo.

Người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân khi công dân vi phạm Điều 9, Luật tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp. Khi cần thiết, lập biên bản từ chối tiếp công dân và báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

2.2. Người tiếp công dân và người xử lý đơn có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo theo quy định của pháp luật; hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; theo dõi việc giải quyết đơn; kịp thời tham mưu xử lý, đề xuất giám sát việc giải quyết đơn; báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn.

II. TIẾP CÔNG DÂN

1. Xác định tính hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Khi tiếp công dân, người tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) và cung cấp thông tin, bản sao tài liệu cần thiết cho việc thụ lý giải quyết.

Khi có từ 05 người trở lên cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng nội dung thì yêu cầu cử đại diện để trình bày. Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm, nhưng tối đa không quá 05 người. Người đại diện phải là người có cùng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với những người cử đại diện. Việc cử người đại diện được lập thành văn bản theo mẫu số 01 (phụ lục Thông tri).

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân xem xét nội dung, yêu cầu, nguyện vọng của công dân; hướng dẫn công dân đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để được giải quyết.

Nếu công dân gửi hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân tiếp nhận đơn hoặc bản ghi nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và bản sao tài liệu có liên quan; làm văn bản ghi chép việc giao, nhận giữa 2 bên theo mẫu số 02 (phụ lục Thông tri).

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản kết quả xử lý vụ việc theo một trong những nội dung quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật tiếp công dân. Văn bản thông báo thực hiện theo mẫu số 03 (phụ lục Thông tri).

III. XỬ LÝ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH

Người tiếp công dân, người xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân gửi đến được tiếp nhận từ các nguồn sau:

- Qua bộ phận tiếp công dân;

- Qua dịch vụ bưu chính;

[...]