Thông tri 13/TT-MTTW-BTT năm 2021 về hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 13/TT-MTTW-BTT
Ngày ban hành 19/01/2021
Ngày có hiệu lực 19/01/2021
Loại văn bản Thông tri
Cơ quan ban hành Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13 /TT-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2021

 

THÔNG TRI

HƯỚNG DẪN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THAM GIA CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;

Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 113/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN); Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

I. YÊU CẦU

1. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan đến công tác bầu cử.

2. Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thực sự dân chủ, khách quan, đúng luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng người được giới thiệu.

3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ về tiến độ thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để hoàn thành tốt công tác Mặt trận tham gia bầu cử.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC MẶT TRẬN TRONG BẦU CỬ

1. Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

 Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử được quy định tại Mục 2 Chương 3 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với các địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Tổ chức các hội nghị hiệp thương

a. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban bầu cử cùng cấp thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN và các văn bản hướng dẫn về bầu cử có liên quan. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lựa chọn thời gian tổ chức hiệp thương phù hợp; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân chuẩn bị tài liệu, rà soát kỹ cơ cấu, thành phần, số lượng, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi làm việc (sau đây gọi chung là nơi công tác) và nơi cư trú của người được giới thiệu ứng cử bảo đảm đúng theo quy định.

b. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động đề nghị và thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp dự kiến phân bổ giới thiệu người ứng cử để danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57, khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

c. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo bằng văn bản để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị...

3. Tổ chức hội nghị cử tri

Việc tổ chức hội nghị cử tri thực hiện theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần bảo đảm một số nội dung sau:

3.1. Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác:

Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không có người đủ điều kiện để dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh cơ cấu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

3.2. Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú:

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú thường xuyên tại địa phương; phối hợp với các đoàn thể nhân dân thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị cử tri, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia hội nghị cử tri; bảo đảm cơ sở vật chất, chỗ ngồi cho cử tri; thông báo đầy đủ, sớm trước 5 ngày về người ứng cử, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị cử tri, thông tin tóm tắt tiểu sử của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết; bảo đảm cử tri đến tham dự đúng thành phần, đủ số lượng theo quy định tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[...]