Thông báo số 91/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 91/TB-VPCP
Ngày ban hành 07/04/2008
Ngày có hiệu lực 07/04/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Ngày 04 tháng 4 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban để nghe báo cáo về kết quả triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế. Cùng dự họp với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và một số thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ý kiến của Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các Bộ và cá nhân nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới suy thoái, biến động phức tạp và rất khó lường; đứng trước những khó khăn đang đặt ra cho nền kinh tế đất nước, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát phù hợp và toàn diện, bước đầu tạo được lòng tin và sự nhất trí cao của toàn xã hội đối với mục tiêu và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Để các giải pháp kiềm chế lạm phát đạt được hiệu quả, thời gian tới yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp đã đề ra, phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh và tăng trưởng bền vững.

2. Ngân hàng Nhà nước:

- Chỉ đạo rà soát và kịp thời xử lý những bất cập trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm phù hợp với tình hình và mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;

- Tiếp tục tập trung đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, cho các dự án có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn; chú trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, hộ nghèo, đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt. Kiểm soát tốc độ tăng tín dụng năm 2008 bằng các biện pháp phù hợp, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng;

- Thực hiện các biện pháp để định hướng và ổn định lãi suất thị trường; trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần; từng bước hướng tới thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường;

- Chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và một số thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, bàn thống nhất các giải pháp nhằm kiểm soát tốt luồng vốn ngắn hạn, kể cả đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, phấn đấu giảm thâm hụt cán cân vãng lai so với GDP và bảo đảm cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế (báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2008).

3. Bộ Tài chính:

- Chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường phối hợp giữa với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Xử lý các khoản nợ đọng thuế, chấn chỉnh công tác hoàn thuế. Phát hiện kịp thời những đối tượng có dấu hiệu gian lận thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế;

- Điều chỉnh hợp lý thuế suất thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng để góp phần hạn chế nhập siêu, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa dịch vụ (báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2008);

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tiêu chí phân loại, rà soát và đưa ra khỏi danh mục những dự án đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, không đủ thủ tục, chưa rõ nguồn vốn, để điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện chậm sang các dự án có tiến độ triển khai tốt hơn (báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2008);

- Tập trung huy động trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế tuyến huyện và cho vay học sinh, sinh viên phù hợp với tiến độ giải ngân;

- Thực hiện điều hành theo hướng tiết kiệm chi và tăng cường kiểm soát chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Xây dựng tiêu chí cụ thể về sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách (hội nghị, hội thảo, tiếp khách, nghiên cứu khảo sát ở nước ngoài... tiết kiệm chi 10%); triệt để tiết kiệm xăng dầu, năng lượng (10% về lượng); không bổ sung kinh phí ngoài dự toán, trừ các nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và một số nhu cầu cấp thiết khác;

- Kiểm soát chặt việc ứng vốn; không xét duyệt chuyển nguồn chi sang năm sau đối với những nhiệm vụ không thực hiện hoặc thực hiện không hết dự toán (trừ các trường hợp cần thiết);

- Không sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu cho các nhiệm vụ chưa thật cần thiết; tập trung cho những nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách và dự phòng phát sinh;

- Báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình hoạt động kinh doanh lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tài chính của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước;

- Tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, giữ ổn định giá các mặt hàng: than, điện, xăng dầu, nước sạch sinh hoạt, cước vận chuyển hàng hóa bằng xe buýt, vé máy bay... đến hết tháng 6 năm 2008, sau đó sẽ có chỉ đạo tiếp. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá;

- Thực hiện triệt để các giải pháp ổn định thị trường chứng khoán theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1909/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 3 năm 2008;

- Xây dựng để ban hành các tiêu chí thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty (báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2008);

- Chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế kiểm soát luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tính toán cân đối các mặt hàng chính và việc dự trữ quốc gia; đồng thời, tổ chức triển khai phương án bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống và phương án giảm nhập siêu (trước ngày 15 tháng 4 năm 2008).

5. Các Bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục thực hiện trợ giúp các đối tượng thuộc hộ nghèo, có thu nhập thấp bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sản xuất của nông dân.

6. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhập các thông tin, bảo đảm độ trung thực, chính xác và chuẩn bị nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp theo định kỳ 10 ngày, dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp liên quan nhằm phục vụ công tác giao ban có hiệu quả hơn; đồng thời, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng, để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong tất cả các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhằm đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty 91;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các thành viên HĐTVCSTTQG;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ