Thông báo 84/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu tại Hội nghị về công tác quản lý và giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 84/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 10/01/2012
Ngày có hiệu lực 10/01/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Minh Nhạn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ XUÂN THU TẠI HỘI NGHỊ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG

Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị về công tác quản lý và giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Hiệp hội các hội KHKT Bình Thuận đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục thủy sản/Nuôi trồng thủy sản các tỉnh phát triển sản xuất giống tôm nước lợ; Trung tâm Khuyến nông; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, III; Trường Đại học Nha Trang, Cần Thơ; các hội và hiệp hội; đại diện các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản và các đơn vị tham dự về hiện trạng công tác quản lý, tình hình sản xuất tôm giống và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống trong thời gian tới. Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu kết luận như sau:

Trong năm 2011, dịch bệnh tôm có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những nguyên nhân được xác định là do chất lượng tôm giống không tốt, thả tôm kích cỡ nhỏ và không được kiểm dịch. Để khắc phục những tồn tại trên, cần phải có kế hoạch chủ động về sản xuất và quản lý công tác sản xuất, cung ứng và kinh doanh giống thủy sản để đảm bảo cung cấp đủ về số lượng và đạt chất lượng giống tôm cho các vùng nuôi tôm trong cả nước kịp mùa vụ. Các đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cần nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Tổng cục Thủy sản

- Khẩn trương trình Bộ phê duyệt Dự án quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống đến năm 2020; Thông tư sửa đổi Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/08/2008 v/v Ban hành quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; các Tiêu chuẩn Quốc gia về giống tôm sú vào Quý I/2012; xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia về giống tôm chân trắng;

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thú y, các Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các địa phương; kiểm soát nguồn gốc tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm bố mẹ được nhập khẩu từ Thái Lan; thực hiện truy xuất nguồn gốc tôm;

- Xây dựng tiêu chuẩn phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống theo cấp độ A, B, C. Tổ chức kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sơ sản xuất và thông báo kết quả kiểm tra để người dân biết và lựa chọn.

- Ban hành khung lịch thời vụ thả giống để các cơ sở sản xuất giống có kế hoạch sản xuất cung ứng giống đúng mùa vụ;

2. Cục Thú y

- Phối hợp với Tổng cục Thủy sản thành lập đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc tôm chân trắng, tôm sú bố mẹ ở các nước xuất khẩu, thông báo chỉ cho phép các cơ sở có chứng nhận đạt tiêu chuẩn của OIE mới được xuất khẩu vào Việt Nam;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 cho phù hợp với thực tế sản xuất và quản lý có hiệu quả con giống thủy sản;

- Kiểm tra, rà soát lại công tác kiểm dịch, xét nghiệm bệnh tôm, cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y thủy sản ở các địa phương, chấn chỉnh những cơ sở làm chưa tốt, báo cáo Lãnh đạo Bộ trong tháng 1/2012. Tăng cường giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch tại nơi xuất và tái kiểm tra tại nơi thả giống, đảm bảo 100% tôm giống được xét nghiệm trước khi thả nuôi để hạn chế rủi ro do dịch bệnh.

- Khẩn trương kiểm tra và công nhận các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và thông báo rộng rãi để người dân biết mang mẫu đến kiểm nghiệm. Kiểm tra và lựa chọn một số phòng thí nghiệm tham chiếu để thực hiện việc kiểm chứng chất lượng kiểm nghiệm, xét nghiệm của các phòng thí nghiệm. Không cho phép các phòng thí nghiệm chưa đủ chuẩn tham gia xét nghiệm để tránh việc người dân mất tiền mà không kiểm tra đúng chất lượng tôm giống.

3. Các Sở Nông nghiệp và PTNT

- Rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn, kiểm tra điều kiện sản xuất, đặc biệt việc kiểm soát môi trường và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh ở các khu sản xuất giống tập trung;

- Theo dõi tình hình thời tiết, ban hành lịch mùa vụ thả giống ở địa phương phù hợp với điều kiện cụ thể trên cơ sở khung lịch mùa vụ theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ lịch thời vụ, lịch ngắt vụ, kích cỡ giống thả theo tiêu chuẩn quy định;

- Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng thuốc, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản hoặc thức ăn không đảm bảo chất lượng; chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở tiến hành kiểm dịch, xét nghiệm bệnh đối với tôm xuất tại cơ sở sản xuất và tái kiểm tra khi nhập vào tỉnh, đảm bảo 100% tôm giống được kiểm dịch trước khi thả nuôi.

- Khuyến khích các hội, hiệp hội, hợp tác xã nuôi tôm thương phẩm ký hợp đồng cung ứng giống trực tiếp với các hội, hiệp hội sản xuất tôm giống để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống với người nuôi trong việc đảm bảo chất lượng con giống;

4. Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học

Tiếp tục nghiên cứu và thực hiện hợp tác quốc tế để Việt Nam sớm chủ động được nguồn tôm bố mẹ đạt chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh cung cấp cho người nuôi; phối hợp với các cơ quan quản lý mở các lớp tập huấn về công tác xét nghiệm, kiểm nghiệm, quản lý môi trường trong ao nuôi, cảnh báo các nguy cơ rủi ro để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm xuất khẩu.

Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr. Vũ Văn Tám (để b/c);
- TTr. Nguyễn Thị Xuân Thu (để b/c);
- TTr. Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Thú y;
- Vụ Pháp chế;
- Hội nghề cá;
- Sở NN&PTNT các tỉnh ven biển;
- Viện NCNTTS II, III;
- Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống;
- Lưu VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Minh Nhạn