Thông báo 699/TB-BTC kết quả cuộc họp về biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ trong tháng cuối năm 2014 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 699/TB-BTC
Ngày ban hành 06/10/2014
Ngày có hiệu lực 06/10/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Đức Hồng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 699/TB-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT QUẢ CUỘC HỌP VỀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỂ ĐẨY NHANH CÔNG TÁC GIẢI NGÂN CÁC NGUỒN VỐN NSNN, VỐN TPCP TRONG CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2014

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 đã quy định “các Bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải pháp giải ngân vốn đầu tư phát triển nhất đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ODA....”

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngày 23/9/2014 Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc nhà nước thuộc 25 địa phương đại diện cho các vùng, miền trong cả nước cùng trao đổi đánh giá những khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2014 trên địa bàn địa phương; từ đó bàn những biện pháp xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh công tác giải ngân các nguồn vốn trong những tháng cuối năm 2014.

Bộ Tài chính thông báo kết quả cuộc họp như sau:

I. Những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải các nguồn vốn tại địa phương.

1. Về quy định bảo lãnh tạm ứng Hợp đồng: Theo quy định của Nghị định số 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ thì việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng là bắt buộc (số tiền bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải tương đương khoản tiền tạm ứng) và thời gian bảo lãnh tạm ứng được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

Tuy nhiên, việc quy định trên chỉ phù hợp với các hợp đồng xây lắp, hợp đồng tư vấn có giá trị lớn; chưa thực sự phù hợp với các trường hợp là hợp đồng nội bộ; hợp đồng giao khoán cho các đối tượng là tổ, đội, hộ gia đình... thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng hoặc các hợp đồng tư vấn có giá trị nhỏ (dưới 500 triệu); đây cũng là nguyên nhân trực tiếp làm ách tắc trong công tác giải ngân vốn vì hầu hết các nhà thầu không thực hiện tạm ứng mà sẽ tự bỏ tiền ra để thực hiện hợp đồng xong mới đến KBNN để thanh toán giá trị thực hiện.

2. Theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình phải được cơ quan chuyên ngành thẩm tra thiết kế; thực tế việc thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư xây dựng còn chậm, thường kéo dài thời gian hơn nhiều so với thời gian quy định dẫn đến không đảm bảo đủ hồ sơ để thanh toán vốn tại Kho bạc nhà nước.

3. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2014 được phân bổ thành nhiều đợt, đặc biệt việc phân bổ vốn đối ứng ODA, vốn bố trí các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn.

4. Việc quy định các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10/2013 là khó thực hiện (hiện nay Thủ tướng Chính phủ mới tháo gỡ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại văn bản số 9955/BTC-ĐT ngày 21/7/2014 cho phép các dự án được thực hiện phân bổ và thanh toán khi có quyết định đầu tư trước ngày 31/12 của năm kế hoạch).

5. Một số dự án do còn tồn khối lượng hoàn thành của năm trước nên đầu năm vẫn thực hiện thanh toán nên chưa thanh toán vốn giao trong năm.

6. Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm chậm thủ tục thanh toán vốn dự án.

7. Năng lực của nhiều chủ đầu tư thuộc cấp huyện, xã quản lý yếu kém dẫn đến việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán chậm.

8. Các tỉnh thuộc vùng miền núi và các tỉnh Tây nguyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết (những tháng mùa mưa) không thể triển khai thực hiện được.

II. Một số biện pháp cần tập trung triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm:

1. Đối với các địa phương:

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ 2014 vào các tháng cuối năm; Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để chỉ đạo, thực hiện các giải pháp sau:

(1). Rà soát lại các nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách đã được ban hành làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải ngân vốn, kịp thời có ý kiến bằng văn bản về Bộ Tài chính hoặc phản ảnh qua hộp thư điện tử của Bộ Tài chính để nghiên cứu có hướng dẫn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(2). Rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2014; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc trong phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư (thực hiện thu hồi vốn để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 đã giao trong dự toán đầu năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến 30/6/2014 chưa phân bổ cho các dự án hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014. Nội dung cụ thể được thực hiện áp dụng theo công văn số 15441/BTC-HCSN ngày 11/11/2013 của Bộ Tài chính).

(3). Đối với các nguồn vốn bổ sung trong năm (như vốn ứng trước kế hoạch năm 2014, vốn bổ sung từ nguồn dự phòng và các nguồn vốn bổ sung khác), đề nghị các địa phương khẩn trương phân bổ ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng.

Đối với các trường hợp sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được Bộ Tài chính thông báo kế hoạch vốn cho địa phương nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa bố trí nguồn cho địa phương triển khai thực hiện; đề nghị Vụ Ngân sách nhà nước báo cáo Bộ để sớm xem xét xử lý vốn cho địa phương thực hiện.

(4). Tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, xử lý ngay các vướng mắc nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và thủ tục đấu thầu, nhất là các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán; khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu nghiệm thu A-B và thủ tục thanh toán vốn.

(5). Định kỳ tổ chức giao ban, kiểm điểm về tình hình thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư để thúc đẩy việc giải ngân vốn nhanh, hết kế hoạch được giao. Đồng thời cần có các biện pháp để các chủ đầu tư cam kết thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao và có chế tài xử lý nếu các chủ đầu tư không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao.

(6). Quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án hoàn thành, có khả năng thực hiện theo quy định.

(7). Chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, chủ đầu tư và các Sở, Ban ngành thực hiện thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn TPCP theo đúng quy định hiện hành và các văn bản của Bộ Tài chính.

(8). Kho bạc nhà nước địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo giải ngân vốn hàng tháng, hàng quý; số liệu báo cáo phải được thống nhất từ trung ương tới địa phương (tránh tình trạng thời gian qua KBNN báo cáo giải ngân vốn một số địa phương thấp hơn số báo cáo giải ngân vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh có xác nhận của KBNN địa phương). Đề nghị Kho bạc nhà nước có văn bản chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.

(9). Tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án từ cấp tỉnh đến cấp xã; đặc biệt là ở cấp quận/huyện và cấp xã/phường/thị trấn đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.

[...]