Thông báo 5330/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu tại Hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 5330/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 25/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 25/10/2011 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Minh Nhạn |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5330/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2011 |
Ngày 13/10/2011 tại Thành phố Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị gồm có Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Các Viện Nghiên cứu NTTS II & III, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Ứng dụng công nghệ TPHCM, các Sở Nông nghiệp và PTNT khu vực ven biển Nam Trung bộ và ĐBSCL, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh; Chi hội nghề cá các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, các công ty sản xuất, kinh doanh giống tôm, chế phẩm sinh học và cơ quan thông tấn báo chí.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Viện Nghiên cứu NTTS II và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã kết luận như sau:
Trong 9 tháng đầu năm 2011, diện tích thả nuôi các tỉnh ĐBSCL là 594.421 ha, bằng 92% diện tích cả nước, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 592.164 ha (chiếm 94% diện tích cả nước) và tôm chân trắng là 12.257 ha (chiếm 40% diện tích cả nước). Sản lượng thu hoạch đạt 209.342 tấn, bằng 70% sản lượng cả nước, trong đó tôm sú 169.553 tấn, tôm chân trắng 39.789 tấn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi tôm ở các tỉnh, đặc biệt là Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tính đến nay diện tích tôm thiệt hại trên toàn vùng khoảng 80.000 ha, số lượng giống thiệt hại trên 13 tỷ con. Bộ NN&PTNT đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh đã giảm hẳn vào những tháng cuối năm, giúp cho việc duy trì phát triển sản xuất theo kế hoạch. Một số kết quả, kinh nghiệm và bài học rút ra từ công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm, nghêu ở ĐBSCL như sau:
- Tập trung chỉ đạo xác định nguyên nhân và tác nhân gây bệnh: Bộ đã giao Cục Thú y chỉ đạo các Trung tâm vùng và chi cục địa phương thực hiện việc điều tra dịch tễ xác định nguyên nhân phát sinh bệnh hoại tử gan tụy trên tôm và chết hàng loạt trên nghêu; giao Viện Nghiên cứu NTTS II, Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh trên tôm và nghêu; mời chuyên gia FAO, OIE hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật. Kết quả đã xác định được các nguyên nhân và tác nhân sau đây: sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết trong các tháng đầu năm trong đó nhiệt độ, gió mùa, thủy triều là những yếu tố gây tác động chính làm thay đổi yếu tố thủy lý, thủy hóa trong môi trường; sự tồn dư của các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (đặc biệt là Cypemethrine) trong môi trường đất, nước do lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao, diệt giáp xác, ốc, … của người dân; không tuân thủ lịch thời vụ và thiếu trách nhiệm cộng đồng trong quản lý môi trường (như xả chất thải, bùn, tôm chết từ những ao nuôi bị bệnh ra môi trường); chất lượng con giống kém; sự buông lỏng trong công tác quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc thú y sử dụng trong nuôi trồng thủy sản của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương nên các sản phẩm cấm sử dụng, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, … lưu thông rộng rãi trên thị trường, khó kiểm soát; hạ tầng các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh chưa được đầu tư đồng bộ đặc biệt là hệ thống kênh mương cấp thoát nước; thiếu hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh trong NTTS; công tác khuyến ngư hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi còn hạn chế, thiếu nhiều văn bản hướng dẫn về điều kiện sản xuất, quy trình, quy phạm; sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thú y, nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng, quản lý môi trường nên công tác quản lý hoạt động NTTS thiếu hiệu quả;
- Tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất: Các tỉnh đã chỉ đạo tích cực việc khắc phục dịch bệnh để duy trì sản xuất, các biện pháp tổng thể được triển khai bao gồm: tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chất lượng con giống, đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tuyên truyền/tập huấn/hội thảo về việc phòng chống dịch, phổ biến mô hình sản xuất hiệu quả, cử cán bộ bám sát địa bàn giúp nông dân khôi phục sản xuất;
- Thực hiện việc hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh ... để giải quyết, Bộ đã giao Cục Thú y đề xuất hỗ trợ Chlorine từ kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh phòng chống dịch; UBND các tỉnh đã xuất kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ phòng chống dịch, công bố thiên tai gây thiệt hại và công bố dịch bệnh, chỉ đạo việc thống kê thiệt hại và cấp kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho nông dân để khôi phục sản xuất.
Để chuẩn bị triển khai kế hoạch sản xuất năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ cho các đơn vị:
1. Đối với các cơ quan thuộc Bộ
a. Tổng cục Thủy sản:
- Gấp rút hoàn thiện Đề án xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trình Bộ phê duyệt trước 30/10/2011 để bố trí vốn thực hiện năm 2012; Hướng dẫn các địa phương xây dựng nhiệm vụ cụ thể, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để phối hợp với Bộ thiết lập hệ thống chung phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất;
- Phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng con giống, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường; Kiểm tra và cho thu hồi các sản phẩm diệt ốc, cá, giáp xác có chứa thành phần Cypermethrine tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư thủy sản; Rà soát danh mục các sản phẩm phục vụ NTTS, đưa ra khỏi danh mục các sản phẩm gây hại. Lập danh mục các sản phẩm có nguy cơ gây hại trong nuôi trồng thủy sản (nhưng chưa đủ cơ sở đưa vào danh mục cấm) để khuyến cáo người dân và doanh nghiệp hạn chế sản xuất và sử dụng;
- Sớm ban hành khung lịch mùa vụ năm 2012 cho các đối tượng tôm sú, tôm chân trắng để địa phương có căn cứ chỉ đạo mùa vụ thả giống năm 2012;
- Phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Thông tư Hướng dẫn Quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP trên tôm sú, tôm chân trắng. Trước mắt, chỉ đạo việc tuân thủ quy định “3 không”: không dấu dịch bệnh; không xả nước, bùn đáy, tôm chết từ ao bị dịch chưa được xử lý ra môi trường nuôi chung; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm có thành phần Cypermethrine và hóa chất độc hại trong xử lý ao, diệt tạp, diệt giáp xác, ốc, cá; và “5 có”: Có ao lắng, lọc và xử lý nước thải; tuân thủ lịch mùa vụ của cơ quan quản lý; kiểm dịch con giống trước khi đưa vào nuôi; báo cơ quan chức năng khi có dịch bệnh; tham gia quản lý cộng đồng theo HTX hoặc hiệp hội. Tổng kết các mô hình nuôi tôm hiệu quả theo các hình thức thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa để phổ biến nhân rộng.
b. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường:
- Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi ở ĐBSCL” và chương trình điều tra dịch tễ do Viện Nghiên cứu NTTS II và Cục Thú y chủ trì; thông báo kết quả nghiên cứu, điều tra và các giải pháp khắc phục cho các địa phương để thực hiện;
- Có văn bản yêu cầu các tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS II, III tăng tần suất quan trắc, giám sát môi trường tại các vùng nuôi tập trung, các vùng thường xuyên xảy ra dịch bệnh để dự báo, cảnh báo sớm tình hình diễn biến môi trường các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất;
- Giao nhiệm vụ đặt hàng của Bộ về môi trường cho Viện Nghiên cứu NTTS II “Nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm Cypermethrine và tồn dư hóa chất trong các vùng nuôi tôm công nghiệp ĐBSCL”; Giao nhiệm vụ KHCN đặt hàng của Bộ cho Viện Nghiên cứu NTTS III “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh/bán thâm canh tôm sú, tôm chân trắng đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP”; phê duyệt đề cương và bố trí vốn thực hiện năm 2012 để đáp ứng yêu cầu sản xuất;
- Rà soát các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; khẩn trương hoàn thành và ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng/tôm sú đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP.
c. Cục Thú y:
- Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi;
- Phối hợp với chuyên gia FAO xây dựng và triển khai dự án nâng cao năng lực thú y thủy sản (TCP) nhằm đối phó kịp thời với dịch bệnh khẩn cấp trên tôm/thủy sản nuôi do FAO tài trợ;
- Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực kiểm dịch, chống dịch ở các địa phương. Kiểm tra điều kiện và cấp chứng chỉ đủ điều kiện xét nghiệm bệnh cho các phòng thí nghiệm của các địa phương để chuẩn bị cho việc tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm dịch giống năm 2012;
- Chấn chỉnh lại công tác kiểm dịch, xét nghiệm giống tại các Chi cục Thú y, chi cục Thủy sản để đảm bảo chất lượng con giống qua kiểm dịch, kiên quyết xử lý hiện tượng cấp giấy phép “khống” cho các cơ sở sản xuất và các cơ sở thu gom, phân phối giống để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm.
- Chỉ đạo việc khắc phục ô nhiễm môi trường vùng nuôi đặc biệt ô nhiễm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có chứa Cypermethrine và Deltamethine (Decis) ở các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi;
- Tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Thu hồi các sản phẩm có chứa Cypermethrine trong thành phần các sản phẩm sử dụng diệt giáp xác, diệt tạp như Kill Crabs. BK-Cide, …