Thông báo 48/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về các Dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi) và các Đề nghị xây dựng: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 48/TB-VPCP
Ngày ban hành 07/02/2024
Ngày có hiệu lực 07/02/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ CÁC DỰ ÁN: LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ, LUẬT PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI), LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI) VÀ CÁC ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG: LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO SẢN XUẤT, KINH DOANH TẠI DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI), LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI), LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (SỬA ĐỔI), LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

Ngày 24 và 25 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về các Dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và các Đề nghị xây dựng: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Luật thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật khoa học công nghệ (sửa đổi).

Tham dự họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của Lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Công an, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ:

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng[1] về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật. Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan dự họp theo hướng, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013[2] về thẩm quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ được quy định tại Luật Cảnh vệ; thống nhất về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật; làm rõ sự cần thiết phải áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ được quy định tại Luật này.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024.

2. Về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi):

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm cập nhật, thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người[3]; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, thông lệ quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan dự họp theo hướng:

- Về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - ngày 30 tháng 7 hằng năm (Điều 6): Không quy định việc tổ chức thực hiện ngày này trong Luật vì đây cũng là ngày Thế giới phòng, chống mua bán người[4] và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định[5], tránh chồng chéo, lãng phí.

- Về căn cứ xác định nạn nhân (khoản 2 Điều 32): bổ sung nguồn tài liệu, chứng cứ là lời khai, tài liệu do người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của nạn nhân cung cấp nhằm bảo đảm đầy đủ.

- Về các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng (khoản 3 Điều 36): rà soát, bổ sung thêm biện pháp bảo vệ đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như Luật hiện hành (các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại, đe dọa đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng); đồng bộ với quy định tại khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật.

- Về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ (Điều 46): phân cấp tối đa thẩm quyền thực hiện việc hỗ trợ về trợ cấp khó khăn, học văn hóa, điều trị y tế…từ cơ quan cấp tỉnh cho các cơ quan chức năng cấp huyện hoặc cấp xã để rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người được hỗ trợ. Giao Chính phủ quy định nội dung này bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tế.

- Về xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống mua bán người (điểm đ khoản 2 Điều 50): chỉnh lý quy định này bảo đảm không trùng lặp, gây lãng phí khi triển khai trên thực tế.

- Về một số vấn đề kỹ thuật: rà soát các khoản 1 Điều 17 (về quản lý việc học của học sinh, sinh viên); khoản 2 Điều 18 (về trách nhiệm người lao động phải chấp hành pháp luật); khoản 1, 2 Điều 40 (về hỗ trợ y tế); bổ sung thành phần hồ sơ dự án Luật theo quy định (dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính).

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024.

3. Về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi):

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật với các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xã hội hóa hoạt động công chứng;

- Bám sát và thể hiện rõ 05 Chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022;

- Kế thừa những quy định của Luật Công chứng năm 2024 đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; bổ sung các quy định để xử lý bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Công chứng hiện hành; làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, có luận giải trên cơ sở, chứng cứ khoa học của các nội dung sửa đổi, bổ sung;

- Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực của các quy định trong dự thảo Luật;

- Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các chủ thể khác khi thực hiện công chứng;

- Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ về mô hình công chứng, quy trình công chứng của các nước tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam;

- Thực hiện tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, hoàn thiện dự thảo Luật.

[...]